Overtourism - Quá tải du lịch là gì? Thực trạng, ví dụ và các biện pháp đối phó

オーバーツーリズムとは?現状・事例・対策を解説

Những năm gần đây, ngành du lịch Nhật Bản đang phát triển sôi động hơn bao giờ hết. Cảnh sắc thiên nhiên tuyệt đẹp, văn hóa đặc sắc và những trải nghiệm ẩm thực độc đáo đã thu hút đông đảo du khách từ khắp nơi trên thế giới. Tuy nhiên, cùng với sự bùng nổ du lịch, cụm từ “quá tải du lịch” cũng bắt đầu được nhắc đến nhiều hơn.

Trong bài viết này, chúng tôi sẽ điểm qua thực trạng quá tải du lịch tại Nhật Bản, những tác động tiêu cực mà nó gây ra, các ví dụ cụ thể và các biện pháp đang được thực hiện để cải thiện tình hình. Đồng thời, bài viết cũng gợi mở những cách giúp cân bằng giữa phát triển du lịch và bảo vệ môi trường một cách bền vững.

Hiện trạng của quá tải du lịch ở Nhật Bản

日本におけるオーバーツーリズムの現状

Lượng khách du lịch nước ngoài đến Nhật Bản sẽ đạt mức cao kỷ lục vào năm 2025?

Kể từ khi các biện pháp kiểm soát biên giới liên quan đến dịch COVID-19 được nới lỏng, số lượng du khách nước ngoài đến Nhật Bản đã phục hồi nhanh chóng. Theo dữ liệu do Bộ Đất đai, Hạ tầng, Giao thông và Du lịch Nhật Bản công bố (*), số lượng du khách quốc tế đến Nhật trong tháng 1 năm 2025 đạt khoảng 3,78 triệu người – tăng 41% so với cùng kỳ năm 2024 – và là con số cao nhất từng được ghi nhận trong một tháng.

* Nguồn: "Về hiện trạng du lịch"

Bên cạnh đó, theo nhận định của công ty du lịch lớn nhất Nhật Bản – JTB – xu hướng du lịch của du khách nước ngoài đến Nhật Bản trong năm 2025 dù có tốc độ tăng trưởng chậm hơn so với năm trước, nhưng vẫn vượt qua con số kỷ lục đã đạt được vào năm 2024.

Người Nhật đang dần "xa rời các điểm du lịch trong nước"

Trong khi số lượng du khách nước ngoài đến Nhật Bản tăng mạnh, thì ở một bộ phận du khách Nhật lại xuất hiện xu hướng né tránh các điểm đến du lịch nổi tiếng. Nguyên nhân có thể đến từ tình trạng đông đúc do lượng lớn khách nước ngoài, giá phòng lưu trú tăng cao, cũng như những vấn đề về ý thức ứng xử khiến mức độ hài lòng giảm sút. Những địa điểm từng dễ dàng ghé thăm nay trở nên khó đặt chỗ, không gian yên tĩnh cũng bị mất đi, dẫn đến việc người Nhật ngần ngại đi du lịch trong nước. Điều này làm dấy lên lo ngại rằng sự mất cân bằng trong dòng khách du lịch có thể ảnh hưởng tiêu cực đến toàn bộ hệ sinh thái du lịch.

Hậu quả của quá tải du lịch là gì?

オーバーツーリズムがもたらす影響とは?

Quá tải du lịch ảnh hưởng xấu đến môi trường sống của người dân địa phương và dẫn đến suy thoái tài nguyên du lịch như tài sản văn hóa, thiên nhiên.

Ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân

Tắc nghẽn giao thông kéo dài

Các phương tiện giao thông công cộng như tàu điện, xe buýt phục vụ khu du lịch luôn trong tình trạng đông kín vì cả người đi làm, đi học và khách du lịch đều sử dụng, gây ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày của người dân địa phương. Bên cạnh đó, sự gia tăng của xe thuê và xe buýt du lịch cũng khiến tình trạng tắc đường trở nên nghiêm trọng hơn.

Vấn đề tiếng ồn

Tiếng nói chuyện, tiếng kéo vali của du khách vào ban đêm, cũng như các hoạt động ồn ào quanh khu vực lưu trú đã làm mất đi sự yên tĩnh của khu dân cư. Thêm vào đó, hoạt động du lịch diễn ra từ sáng sớm cũng gây ra tiếng ồn khiến người dân bức xúc.

Vi phạm quy tắc ứng xử

Những hành vi thiếu ý thức như vứt rác bừa bãi, hút thuốc không đúng nơi quy định, tự ý xâm nhập vào đất riêng hay chụp ảnh ở những khu vực cấm không chỉ làm xấu cảnh quan mà còn gây khó chịu, lo lắng cho người dân. Tại các khu vực lân cận điểm du lịch, các xung đột do vấn đề này ngày càng dễ xảy ra.

Ảnh hưởng đến tài nguyên du lịch

Hư hại di sản văn hóa và di tích lịch sử

Việc có quá nhiều khách du lịch đến tham quan khiến các công trình lịch sử, di tích cổ phải chịu áp lực vật lý ngày càng lớn. Không những vậy, còn xảy ra những hành vi phá hoại trực tiếp do một số du khách thiếu ý thức gây ra, khiến tình trạng xuống cấp trở nên nghiêm trọng hơn.

Tàn phá môi trường tự nhiên

Tại những điểm du lịch thiên nhiên nổi tiếng, tình trạng giẫm đạp lên thảm thực vật, xả rác bừa bãi gây ô nhiễm nguồn nước và ảnh hưởng đến động vật hoang dã đang ngày càng gia tăng. Ngoài ra, nhiều người còn tự ý xâm nhập vào các khu vực cấm để chụp ảnh, khiến vấn đề bảo tồn trở nên khó khăn hơn.

Ảnh hưởng đến sự chênh lệch khu vực

Tập trung quá mức vào một số thành phố nổi tiếng và hệ lụy nghiêm trọng

Các thành phố nằm trên “tuyến du lịch vàng” như Tokyo, Kyoto, Osaka đang chứng kiến sự đổ dồn quá mức của khách du lịch. Điều này không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống và môi trường của người dân địa phương mà còn khiến hệ thống hạ tầng du lịch gần chạm ngưỡng quá tải.

Khó khăn trong việc thu hút khách du lịch ở các địa phương

Ngược lại, nhiều địa phương dù sở hữu tài nguyên du lịch hấp dẫn nhưng lại gặp khó khăn trong việc thu hút du khách do hạn chế về truyền thông và hạ tầng giao thông. Hệ quả là doanh thu từ du lịch bị dồn về một số khu vực nhất định, làm gia tăng khoảng cách kinh tế giữa các vùng.

Các ví dụ thực tế về tình trạng quá tải du lịch tại Nhật Bản

Tình trạng quá tải du lịch đã trở thành một vấn đề hiện hữu tại nhiều địa phương trên khắp Nhật Bản, buộc các khu vực này phải gấp rút đưa ra những biện pháp ứng phó. Dưới đây là một số ví dụ cụ thể và các giải pháp mà từng địa phương đang triển khai.

【Thị trấn Biei, Hokkaido】Xâm nhập và đỗ xe trái phép

日本のオーバーツーリズム問題:北海道美瑛町

Vấn đề

Tại thị trấn Biei, nơi nổi tiếng với khung cảnh tuyệt đẹp như một tấm patchwork được dệt nên từ những cánh đồng đầy màu sắc, tình trạng du khách xâm nhập trái phép vào đất nông nghiệp để chụp ảnh sống ảo đang trở thành một vấn đề nghiêm trọng. Đất nông nghiệp là tài sản tư nhân, việc tự ý đi vào không những gây thiệt hại cho cây trồng mà còn làm tăng nguy cơ lây lan sâu bệnh và vi khuẩn gây hại. Ngoài ra, tại các địa điểm tham quan nổi tiếng như “hồ xanh Shirogane” hay “Cây Bảy Sao (Seven Stars Tree)”, tình trạng đỗ xe bên lề đường diễn ra thường xuyên, gây cản trở giao thông và tiềm ẩn nguy cơ tai nạn cao.

Biện pháp đối phó

Chính quyền địa phương đã triển khai lắp đặt các biển cảnh báo bằng nhiều thứ tiếng nhằm kêu gọi du khách không xâm nhập vào đất nông nghiệp, đồng thời tổ chức các đợt tuần tra bởi Hiệp hội Du lịch để nâng cao nhận thức về ý thức ứng xử khi tham quan. Đối với vấn đề đỗ xe, các biện pháp kiểm soát đã được áp dụng như thiết lập quy định hạn chế đỗ xe và bố trí nhân viên an ninh để hướng dẫn phương tiện, đảm bảo trật tự giao thông xung quanh các điểm du lịch.

Thành phố Kamakura, tỉnh Kanagawa: Tình trạng quá tải quanh nhà ga và vấn đề rác thải

日本のオーバーツーリズム問題:神奈川県鎌倉市

Vấn đề

Thành phố Kamakura, nơi nổi tiếng với nhiều đền chùa và di tích lịch sử, lại có vị trí thuận tiện gần trung tâm Tokyo, luôn thu hút một lượng lớn du khách trong và ngoài nước. Đặc biệt vào cuối tuần hay các kỳ nghỉ dài, khu vực quanh nhà ga và các tuyến đường dẫn đến những điểm tham quan chính thường rơi vào tình trạng quá tải nghiêm trọng. Bên cạnh đó, việc du khách vừa đi vừa ăn cũng kéo theo tình trạng xả rác bừa bãi, trở thành một trong những vấn đề nan giải mà địa phương đang phải đối mặt.

Biện pháp đối phó

Chính quyền thành phố Kamakura đã công bố “Bản đồ tình hình đông đúc các điểm du lịch tại Kamakura”, cho phép du khách kiểm tra thông tin tổng quan và mức độ đông đúc tại từng địa điểm trong thành phố. Qua đó, họ khuyến khích du khách chọn thời gian và lộ trình hợp lý để tránh giờ cao điểm, góp phần giảm tải cho các khu vực quá đông. Để giải quyết vấn đề xả rác, thành phố cũng triển khai phát túi đựng rác thân thiện có tên gọi “túi omotenashi” cho những du khách ăn uống khi di chuyển. Đồng thời, chính quyền kêu gọi sự hợp tác trong việc mang rác về nhà, từ đó nâng cao ý thức bảo vệ môi trường trong cộng đồng du lịch.

【Thành phố Kyoto, phủ Kyoto】Ùn tắc giao thông công cộng và vi phạm quy tắc ứng xử ngày càng trở nên nghiêm trọng.

日本のオーバーツーリズム問題:京都府京都市

Vấn đề

Ở khu vực phố hoa Gion, tình trạng “maiko paparazzi” – những người du khách không xin phép liên tục đeo bám và chụp ảnh các maiko (geisha tập sự) – vẫn diễn ra thường xuyên, gây phiền toái và ảnh hưởng đến cuộc sống của họ. Ngoài ra, việc du khách tự ý đi vào các con đường hoặc khu đất tư nhân cũng không hề giảm bớt. 

Bên cạnh đó, xe buýt công cộng, vốn là phương tiện di chuyển quan trọng của người dân địa phương, thường xuyên bị quá tải do lượng khách du lịch mang theo hành lý cồng kềnh. Điều này dẫn đến việc người dân không thể lên xe, tạo ra hiện tượng “bỏ lại ngoài xe” khiến cuộc sống hàng ngày của cư dân gặp nhiều khó khăn.

Biện pháp đối phó

Nhiều khu vực đã bắt đầu đặt các biển báo và tờ rơi đa ngôn ngữ, ghi rõ cấm quay phim, chụp ảnh không phép trên các con đường tư nhân, đồng thời áp dụng hệ thống phạt tiền đối với những người vi phạm. Các hoạt động tuyên truyền nâng cao ý thức văn minh du lịch cũng được thực hiện thông qua việc phát sóng các video giáo dục.

Ngoài ra, nhằm thúc đẩy hình thức du lịch “tay không” (không mang hành lý cồng kềnh), dịch vụ “HANDS FREE BUS” đã được triển khai, vận hành từ ga Kyoto và đi vòng quanh các cơ sở lưu trú trong thành phố, góp phần giảm tải tình trạng đông đúc trên các xe buýt công cộng.

【Thị trấn Fujikawaguchiko, tỉnh Yamanashi】Vi phạm đậu xe và việc băng qua đường diễn ra không ngừng

日本のオーバーツーリズム問題:山梨県富士河口湖町

Vấn đề

Có một điểm chụp ảnh nổi tiếng nơi bạn có thể nhìn thấy núi Phú Sĩ qua mái của một cửa hàng tiện lợi, thu hút đông đảo khách du lịch nước ngoài đến đây. Nhiều người tràn cả từ vỉa hè ra lòng đường để chụp hình, gây cản trở giao thông và làm tăng đáng kể nguy cơ xảy ra tai nạn va chạm với phương tiện.

Biện pháp đối phó

Để đảm bảo an toàn, tại khu vực xảy ra vấn đề đã được lắp đặt màn chắn màu đen nhằm che khuất tầm nhìn ra núi Phú Sĩ. Biện pháp này đã trở thành chủ đề lớn được quan tâm cả trong và ngoài nước. Hiện nay, với việc dựng hàng rào, sơn lại vạch qua đường và cải thiện hệ thống biển chỉ dẫn, tình trạng băng qua đường nguy hiểm đang dần được cải thiện. Tuy nhiên, chính quyền địa phương vẫn tiếp tục xem xét các biện pháp xung quanh khu vực để vừa duy trì hoạt động du lịch vừa bảo đảm cuộc sống tiện nghi cho người dân.

Những biện pháp để hạn chế quá tải du lịch

オーバーツーリズムの抑制に向けた対策は?

Vấn đề quá tải du lịch không có cách giải quyết đơn giản và nhanh chóng, mà đòi hỏi các cơ quan hành chính, doanh nghiệp du lịch và người dân địa phương phải phối hợp cùng nhau, áp dụng nhiều phương pháp đa chiều và kiên trì nỗ lực trong thời gian dài.

Cải thiện và nâng cao môi trường tiếp nhận (du khách)

Thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng

Cần thiết phải tăng số lượng nhà vệ sinh tạm thời và thùng rác, mở rộng các điểm phát Wi-Fi miễn phí, đồng thời thiết lập hệ thống thanh toán không tiền mặt. Đây là những yếu tố cơ bản để nâng cao chất lượng hạ tầng phục vụ khách du lịch.

Thúc đẩy du lịch "tay không"

Dịch vụ giữ hành lý tạm thời và vận chuyển hành lý đến nơi lưu trú giúp giảm áp lực cho phương tiện giao thông công cộng và tạo sự thoải mái khi di chuyển. Ví dụ như tại Kyoto, việc vận hành xe buýt dành riêng cho khách mang hành lý cồng kềnh là một biện pháp hiệu quả.

Tối ưu hóa hệ thống giao thông

Cần tăng cường tần suất các phương tiện giao thông công cộng, cải thiện hướng dẫn đa ngôn ngữ, triển khai dịch vụ chia sẻ xe (car sharing), thiết lập quy định giao thông quanh các điểm du lịch và xây dựng hệ thống phát tín hiệu tình trạng đông đúc giao thông theo thời gian thực.

Ngăn ngừa vi phạm quy tắc ứng xử

Tăng cường truyền thông đa ngôn ngữ

Việc cung cấp thông tin về văn hóa, phong tục tập quán của Nhật Bản, cùng các quy tắc và phép lịch sự tại từng khu vực bằng nhiều ngôn ngữ qua website, mạng xã hội, tờ rơi, video… là rất quan trọng để khách du lịch dễ hiểu và tuân thủ.

Nâng cao nhận thức và tăng cường hệ thống giám sát

Đối với những hành vi vi phạm nghiêm trọng về phép lịch sự hoặc gây phiền toái, cần tăng cường hệ thống giám sát bằng camera an ninh và bố trí nhân viên tuần tra. Trong một số trường hợp, có thể xem xét áp dụng hình phạt. Tuy nhiên, mục tiêu chính vẫn là giáo dục ý thức, đồng thời tránh làm tổn thương cảm xúc của du khách một cách không cần thiết.

Thúc đẩy thu hút khách đến khu vực địa phương và phân tán du khách

Phát triển các tuyến du lịch mới và quảng bá sức hấp dẫn

Cục Du lịch Nhật Bản đã lựa chọn 11 khu vực như Ise-Shima, khu vực Setouchi làm mô hình điểm đến du lịch, nơi tập trung phát triển các nội dung đặc trưng và chương trình quảng bá nhằm tận dụng thế mạnh riêng của từng địa phương. Những mô hình thành công ở đây được kỳ vọng sẽ được nhân rộng sang các vùng khác.

Nâng cao nội dung trải nghiệm và lưu trú

Thay vì chỉ tham quan các danh thắng, việc mở rộng các hoạt động trải nghiệm văn hóa, ẩm thực, thiên nhiên đặc trưng của địa phương giúp du khách có thể gắn bó sâu sắc hơn với vùng đất đó. Điều này không chỉ nâng cao sự quan tâm đến các khu vực địa phương mà còn kéo dài thời gian lưu trú, góp phần phát triển du lịch bền vững.

Cách để trở thành khách du lịch thông thái: những việc chúng ta có thể làm

「より良い旅行者」になるために:私たち一人ひとりができること

Vấn đề quá tải du lịch không thể giải quyết chỉ bằng nỗ lực của chính quyền hay các doanh nghiệp. Ý thức và hành động của từng du khách cũng ảnh hưởng lớn đến tương lai của các điểm đến.

Cân nhắc đi du lịch vào mùa thấp điểm

Du lịch vào mùa thấp điểm hoặc giai đoạn chuyển tiếp, khi thời tiết dễ chịu và ít đông đúc hơn, sẽ giúp bạn tận hưởng chuyến đi một cách thoải mái hơn. Ngay cả những điểm du lịch nổi tiếng cũng có thể hiện ra diện mạo hoàn toàn khác, yên bình hơn khi bạn chọn thời điểm phù hợp..

Tôn trọng cuộc sống của người dân địa phương

Địa điểm du lịch cũng là nơi sinh sống của người dân. Tuyệt đối tránh việc vào đất riêng tư trái phép, gây ồn ào vào sáng sớm hay đêm khuya, hoặc xả rác bừa bãi. Hãy quan tâm đến sự riêng tư của người dân, và cũng nên chào hỏi thân thiện để xây dựng mối quan hệ ấm áp.

Ưu tiên mua sắm ở chợ nông sản địa phương và các cửa hàng nhỏ

Ngoài các chuỗi cửa hàng lớn hay cửa hàng miễn thuế, hãy tích cực ủng hộ các chợ nông sản địa phương, cửa hàng kinh doanh cá thể, nhà hàng địa phương. Điều này giúp đóng góp trực tiếp vào nền kinh tế địa phương, đồng thời tạo cơ hội giao lưu với người dân, làm chuyến đi thêm ý nghĩa và đáng nhớ.

Những hành động này cũng phản ánh tinh thần của “du lịch bền vững” đang được chú trọng gần đây: bảo vệ môi trường, tôn trọng văn hóa, và góp phần phát triển kinh tế địa phương. Một chuyến đi như vậy sẽ đem lại trải nghiệm phong phú và sâu sắc hơn cho chính bạn.

Mục lục

Survey[Trả lời khảo sát]Hãy trả lời những câu hỏi về du lịch Nhật Bản.







Giới thiệu thêm