Sự khác biệt giữa ẩm thực vùng Kanto và Kansai! Bạn thích món ăn nào trong 5 món sau đây?

  • 3/10/2023
  • 23/2/2024
  • Akane
  • Bé Vi

Sự khác biệt giữa ẩm thực vùng Kanto và Kansai! Bạn thích món ăn nào trong 5 món sau đây?

Nhật Bản nổi tiếng với thiên nhiên phong phú, cùng nền ẩm thực, văn hóa, phong tục đa dạng tùy theo vùng miền. Đặc biệt, văn hoá của vùng Kanto rất hay được đem ra so sánh với văn hoá vùng Kansai. Sau đây, chúng ta hãy cùng tìm hiểu xem văn hoá ẩm thực của hai vùng này có gì khác nhau nhé!

Tổng quan về vùng Kanto và vùng Kansai

Tổng quan về vùng Kanto và vùng Kansai

Vùng Kanto gồm có thủ đô Tokyo, tỉnh Kanagawa, tỉnh Chiba, tỉnh Saitama, tỉnh Ibaraki, tỉnh Tochigi, tỉnh Gunma (tùy theo trường hợp còn tính cả tỉnh Nagano, tỉnh Yamanashi).

Còn vùng Kansai thì gồm có Osaka, Kyoto, tỉnh Hyogo, tỉnh Shiga, tỉnh Nara, tỉnh Wakayama, và tỉnh Mie (tùy theo trường hợp còn tính cả các tỉnh của vùng Shikoku).

Người Kanto thì thích mì soba, còn người Kansai thì thích mì udon !?

Người Kanto thì thích mì soba, còn người Kansai thì thích mì udon !?

Các món mì soba và mì udon nằm trên khắp mọi miền Nhật Bản, đây có thể nói là món ăn linh hồn của xứ Phù Tang.

Trong văn hóa ẩm thực Nhật Bản có câu nói "Phía đông thì có soba, phía tây thì có udon", tức chỉ vùng Kanto phía đông thì có nhiều quán mì soba, còn vùng Kansai phía tây thì có nhiều quán mì udon. Ngoài ra, cách chế biến nước dùng dashi của hai vùng cũng có sự khác biệt.

Ở vùng Kanto thì nước dùng dashi được làm từ cá bào katsuobushi hoặc nước tương đậm đặc, tạo nên màu sắc và hương vị đậm đà. Ngược lại, nước dùng dashi ở vùng Kansai chủ yếu được làm từ rong biển kombu, nên có vị thanh dịu, màu của nước dùng cũng tương đối trong suốt.

Sự khác biệt giữa cách mổ lươn của vùng Kanto và vùng Kansai

Sự khác biệt giữa cách mổ lươn của vùng Kanto và vùng Kansai

Các món lươn (unagi) ở Nhật có nguồn gốc từ thời Edo, món ăn ban đầu phổ biến giữa tầng lớp dân thường. Sự khác biệt giữa văn hóa ẩm thực vùng Kanto và Kansai cũng được thể hiện qua cách mổ lươn.

Địa phận Edo (Tokyo ngày nay) thuộc vùng Kanto vốn là nơi tập trung nhiều võ sĩ đạo "samurai". Hành động mổ từ bụng được liên tưởng đến "seppuku" - nghi thức mổ bụng tự sát của samurai, và cũng được xem là điều không lành. Chính vì vậy mà người dân vùng Kanto thường mổ lươn từ phía lưng của con lươn.

Mặt khác, Osaka ở vùng Kansai từ xưa vốn là nơi phát triển về ngành thương mại. Các thương nhân ở Osaka được đòi hỏi tính chân thật, đáng tin cậy. Trong thành ngữ tiếng Nhật có câu "腹を割る (cắt mất bụng, bỏ đi bụng dạ xấu xa để nói chuyện thẳng thắn)", thế nên cách mổ lươn ở Osaka được thực hiện từ bụng. (Còn có giả thuyết khác)

Cách chế biến giữa hai vùng cũng có sự khác biệt. Như ở vùng Kanto thì lươn sẽ được hấp trước rồi nướng, tạo nên độ mềm cho lươn, rồi phủ nước sốt đậm đặc bên trên. Tuy nhiên, ở vùng Kansai thì lươn sống sẽ được đem nướng trực tiếp, tạo nên độ dai cho lớp thịt, hương vị nước sốt thì không đậm đặc bằng vùng Kanto.

Hình dạng của cơm Inari-zushi: Vùng Kanto có hình chữ nhật, vùng Kansai có hình tam giác

Hình dạng của cơm Inari-zushi: Vùng Kanto có hình chữ nhật, vùng Kansai có hình tam giác

Inari-zushi là món cơm được cuộn trong lớp đậu phụ chiên ngọt. Song bạn có biết rằng, Inari-zushi ở vùng Kanto thì có hình chữ nhật, còn Inari-zushi ở vùng Kansai thì có hình tam giác không? Vì sao lại có sự khác biệt này?

Có giả thuyết cho rằng, hình dạng tam giác của Inari-zushi ở vùng Kansai được mô phỏng từ ngọn núi Inari - nơi có ngôi đền Inari Fushimi Taisha nổi tiếng của Kyoto. Và cũng có giả thuyết cho rằng hình dạng món ăn mô phỏng hình đôi tai cáo - linh vật của thần Inari. Cả hai lý thuyết này vẫn chưa được chứng minh, nhưng đã một phần nào đó tạo nên sự bí ẩn cho món ăn này.

Bánh Mitarashi Dango: Vùng Kanto 4 viên, vùng Kansai 5 viên

Bánh Mitarashi Dango: Vùng Kanto 4 viên, vùng Kansai 5 viên

Nếu bạn là người yêu thích các món bánh dẻo của Nhật, thì thông tin sau đây hẳn sẽ rất thú vị đối với bạn.

Thông thường, ở vùng Kanto thì số bánh được xiên trên một que tre sẽ có 4 viên, kích cỡ bánh vừa miệng ăn. Còn vùng Kansai thì 1 xiên sẽ có 5 viên bánh, với kích cỡ hơi nhỏ một chút.

Bánh dango xiên que có nguồn gốc từ quán Kamo Mitarashi Chaya, nằm gần ngôi đền Shimogamo ở Kyoto (thuộc vùng Kansai). 5 viên bánh tượng trưng cho đầu người và tứ chi, được làm đồ cúng dâng lên thần linh để cầu nguyện được thần che chở, tai qua nạn khỏi. Về sau, món bánh dango dần lan rộng đến Edo (Tokyo, thuộc vùng Kanto ngày nay) và phổ biến khắp đất nước Nhật Bản.

Ban đầu thì bánh dango ở vùng Edo cũng có 5 viên trên 1 xiên bánh, và giá của mỗi que xiên là 5 sen (銭). Nhưng đến giữa thế kỷ 18, khi đồng tiền mới là "shimonsen" được sử dụng, những người bán hàng đã đổi số viên bánh thành 4 viên để dễ tính toán hơn. Và số viên bánh trên 1 que xiên vẫn không thay đổi cho đến nay.

Bánh Mitarashi Dango: Vùng Kanto 4 viên, vùng Kansai 5 viên

Ngoài ra ở các vùng khác, cũng có nơi dùng 3 viên bánh trên 1 que xiên. Tiêu biểu trong số đó là Sanshoku Dango, thường được thưởng thức khi ngắm hoa (hanami). 3 sắc màu hồng, xanh, trắng của 3 viên bánh tượng trưng cho hoa anh đào mùa xuân, cây lá mùa hè và tuyết trắng mùa đông của xứ Phù Tang tươi đẹp.

Gia vị cho cơm Oyakodon: Kanto dùng bột shichimi, Kansai dùng tiêu sansho

Gia vị cho cơm Oyakodon: Kanto dùng bột shichimi, Kansai dùng tiêu sansho

Khi ăn cơm gà Oyakodon tại Nhật, bạn có từng để ý đến các loại gia vị được đặt trên bàn chưa?

Thông thường, chúng ta sẽ thưởng thức hương vị vốn có của món cơm trước, rồi sau đó cho thêm gia vị, hoặc đồ chua vào để thay đổi hương vị. Hai loại gia vị phổ biến gồm có bột shichimi và tiêu sansho. Ở Kyoto thì tiêu sansho rất được ưa chuộng, nên gia vị này không chỉ được dùng cho cơm Oyakodon, mà còn được dùng cho nhiều món ăn truyền thống của Kyoto. Còn ở vùng Kanto thì bột shichimi rất thường được sử dụng.

Gia vị cho cơm Oyakodon: Kanto dùng bột shichimi, Kansai dùng tiêu sansho

Bên cạnh đó, nguyên liệu dùng để làm món Oyakodon giữa hai vùng cũng có sự khác biệt. Nguyên liệu chủ yếu ở vùng Kanto gồm có hành củ, thịt gà, trứng, nêm gia vị chính là nước tương. Còn ở Kansai thì dùng hành lá, thịt gà, trứng, và được nêm gia vị bằng nước dùng dashi.


Đọc bài viết xong thì hẳn là các bạn độc giả cũng đang thèm ăn các món Nhật rồi đúng không nào? Lần tới khi ăn món Nhật, thì bạn hãy thử phân biệt sự khác nhau giữa món ăn của vùng Kanto và vùng Kansai nhé!


*Vì có nhiều giả thuyết khác nhau về văn hóa ẩm thực Nhật Bản, nên thông tin trong bài chỉ mang tính chất tham khảo.

Mục lục

Survey[Trả lời khảo sát]Hãy trả lời những câu hỏi về du lịch Nhật Bản.







Giới thiệu thêm