Giới thiệu về kiếm Nhật. Khám phá các loại kiếm, lịch sử và tìm hiểu về Thiên Hạ Ngũ Kiếm nổi tiếng như Mikazuki Munechika

Kiếm Nhật là một sản phẩm thủ công truyền thống của Nhật Bản, không chỉ có giá trị như một tác phẩm nghệ thuật mà còn ẩn chứa nhiều nét hấp dẫn về mặt lịch sử và kỹ thuật chế tác tinh xảo. Trong những năm gần đây, kiếm Nhật còn xuất hiện rộng rãi trong các nội dung giải trí như game mô phỏng nuôi kiếm nổi tiếng "Touken Ranbu ONLINE", khiến sự quan tâm dành cho kiếm Nhật lan rộng ra toàn thế giới.

Bài viết này sẽ giúp bạn hiểu rõ về định nghĩa và đặc điểm của kiếm Nhật. Chúng tôi cũng sẽ giới thiệu các loại kiếm phổ biến, những thanh kiếm nổi tiếng được gọi là “Ngũ đại danh kiếm”, và cách mà bạn có thể tìm hiểu về kiếm Nhật trong thời đại ngày nay. Hãy cùng khám phá toàn diện sức hút của kiếm Nhật nhé.

Kiếm Nhật là gì? Định nghĩa, đặc điểm, và những điểm cần chiêm ngưỡng

日本刀 刀

Trước tiên, hãy cùng tìm hiểu về định nghĩa, đặc điểm của kiếm Nhật, cũng như những điểm bạn không nên bỏ qua khi ngắm kiếm. Việc nắm được những kiến thức cơ bản này sẽ giúp bạn cảm nhận được vẻ đẹp và giá trị của kiếm Nhật một cách sâu sắc hơn.

Định nghĩa và đặc điểm của kiếm Nhật

Kiếm Nhật là loại kiếm được chế tác bằng kỹ thuật rèn kiếm độc đáo của Nhật Bản, sử dụng chủ yếu một loại thép cao cấp gọi là Tamahagane (玉鋼) làm nguyên liệu chính. Loại thép này được sản xuất thông qua phương pháp Tatara (たたら製鉄) – một kỹ thuật luyện thép truyền thống của Nhật, nổi bật với độ tinh khiết cao, đồng thời kết hợp được cả độ cứng và độ dẻo, rất phù hợp để chế tác kiếm. Trong quá trình rèn kiếm, các thợ rèn sử dụng kỹ thuật “rèn  nhiều lần” (折り返し鍛錬 – orikaeshi tanren). Bằng cách liên tục gập và rèn thép, họ loại bỏ tạp chất trong nguyên liệu, đồng thời tạo ra lưỡi kiếm có độ bền cao và bề mặt đẹp mắt – đặc trưng của kiếm Nhật.

Về mặt lịch sử, kiếm Nhật được phân loại như sau. Các thanh kiếm thẳng được chế tác trước giữa thời Heian gọi là "thượng cổ kiếm" (上古刀 – jōkotō). Từ nửa sau thời Heian trở đi, xuất hiện các thanh kiếm có lưỡi cong, và đây được xem là sự khởi đầu của kiếm Nhật theo nghĩa hiện đại. Hình dáng cong đặc trưng của kiếm Nhật được phát triển để phù hợp hơn với việc chiến đấu trên lưng ngựa và có thể rút kiếm 1 cách dễ dàng – phản ánh sự thay đổi trong chiến thuật thời đó. Không chỉ là vũ khí, kiếm Nhật còn mang trong mình giá trị nghệ thuật và chiều sâu tinh thần, trở thành một biểu tượng văn hóa đặc trưng của Nhật Bản.

Những điểm không thể bỏ qua khi chiêm ngưỡng kiếm Nhật

Khi chiêm ngưỡng kiếm Nhật, ba yếu tố quan trọng cần chú ý là: hình dáng tổng thể (姿・Sugata), vân ở lưỡi kiếm (刃文・Hamon) và bề mặt thép (地鉄・Jigane). Không chỉ đơn thuần ngắm vẻ đẹp bề ngoài, việc quan sát tổng thể thanh kiếm với sự hiểu biết về bối cảnh lịch sử, phong cách cá nhân của thợ rèn, và kỹ thuật chế tác sẽ giúp bạn cảm nhận được giá trị nghệ thuật, tính năng thực tiễn, và cả câu chuyện sâu sắc ẩn chứa trong từng thanh kiếm.

Quan sát hình dáng tổng thể

“Sugata(姿)” dùng để chỉ tổng thể hình dáng của một thanh kiếm Nhật, bao gồm đường nét tổng thể, sự cân đối, độ cong của lưỡi, chiều dài, bề ngang, và hình dạng phần mũi kiếm (kissaki). Từ thời Heian đến thời Edo, hình dáng kiếm cũng thay đổi theo sự biến chuyển của chiến thuật và quan niệm thẩm mỹ từng thời kỳ. Khi chiêm ngưỡng kiếm Nhật, việc so sánh và cảm nhận những khác biệt về hình dáng theo từng giai đoạn lịch sử chính là một trong những điều thú vị.

Quan sát vân ở lưỡi kiếm

日本刀

Hamon(刃文) là hoa văn giống như sóng xuất hiện trên lưỡi kiếm sau quá trình tôi luyện (nung và làm nguội nhanh). Đây là minh chứng cho kỹ thuật chế tác giúp thanh kiếm vừa sắc bén vừa đẹp mắt. Có nhiều kiểu hamon khác nhau, chẳng hạn như: Suguha (直刃) hoa văn thẳng đơn giản, Chōji (丁子) hoa văn giống hình hoa đinh hương, Notare (のたれ) hoa văn uốn lượn mềm mại như sóng nhẹ. Mỗi kiểu hamon đều phản ánh trường phái và cá tính của người thợ rèn, đồng thời tạo nên vẻ đẹp riêng biệt cho từng thanh kiếm.

Quan sát bề mặt thép

Jigane (地鉄) là phần cấu trúc kim loại trên bề mặt thân kiếm – nơi thể hiện rõ cách rèn thép và chất lượng vật liệu của thanh kiếm. Các hoa văn thường thấy gồm: Itame-hada (板目肌), Mokume-hada (杢目肌), Ayasugi-hada (綾杉肌). Việc quan sát jigane không chỉ thấy được tay nghề của thợ rèn kiếm, mà còn phản ánh cả tình trạng bảo quản của thanh kiếm qua thời gian.

Quy trình rèn kiếm Nhật

Kiếm Nhật được chế tác từ loại thép cao cấp gọi là tamahagane, trải qua quá trình rèn luyện tinh xảo bởi những thợ rèn lành nghề với kỹ thuật lâu đời và bài bản. Mặc dù quy trình sản xuất có thể có những khác biệt nhất định tùy theo thời đại, trường phái hay từng cá nhân, nhưng về cơ bản, quá trình chế tác thường được tiến hành theo các bước chính như sau.

玉鋼(たまはがね)
Tamagane 

1. Nung nóng và cắt : Nung nóng tamahagane rồi làm dẹt thành độ dày khoảng 5mm, sau đó cắt thành các miếng vuông nhỏ khoảng 2–2,5cm.

2. Xếp chồng và nung: Xếp chồng các miếng tamahagane đã cắt nhỏ rồi nung trong lò để tạo thành một khối đồng nhất.

3. Rèn và tạo lớp thép ngoài cứng: Thực hiện quá trình gập và rèn khoảng 15 lần để điều chỉnh hàm lượng carbon và loại bỏ tạp chất, tạo ra lớp thép ngoài cứng.

4. Tạo lõi thép mềm và kết hợp: Tạo lõi thép mềm bên trong rồi bọc bằng lớp thép ngoài cứng nhằm tạo ra cấu trúc khó gãy và khó cong.

5. Dãn thẳng và tạo hình: Nung nóng khối thép kết hợp giữa lõi và lớp ngoài rồi rèn dẹt thành thanh phẳng, tạo hình dáng cho lưỡi kiếm.

6. Phủ đất và tôi nhiệt: Phủ đất chịu nhiệt lên lưỡi kiếm, nung nóng đến khoảng 800 độ C rồi làm nguội nhanh bằng nước để tạo độ cứng cho lưỡi và tạo độ cong cho thân kiếm.

7. Hoàn thiện và khắc chữ ký: Sau khi tôi nhiệt, chỉnh sửa độ cong và các khuyết điểm, mài thô, sau đó khắc chữ ký lên thân kiếm để hoàn thành sản phẩm.

Thông qua những công đoạn trên, kiếm Nhật trở thành một tác phẩm hoàn hảo, kết hợp hài hòa giữa vẻ đẹp tinh tế và tính năng vượt trội.

Gokaden là gì? Đặc điểm của các khu vực rèn kiếm tiêu biểu

Gokaden là thuật ngữ dùng để chỉ năm vùng sản xuất kiếm Nhật nổi tiếng nhất trong lịch sử, nơi mà các phong cách và kỹ thuật rèn kiếm đặc trưng đã được phát triển và kế thừa qua nhiều thế hệ. Mỗi vùng – hay còn gọi là “trường phái” – đều mang dấu ấn riêng biệt về hình dáng kiếm, đường vân lưỡi (刃文 - hamon), bề mặt thép (地鉄 - jigane), cũng như phương pháp chế tác. Hãy cùng điểm qua đặc trưng của từng trường phái và các thợ rèn tiêu biểu đại diện cho mỗi vùng.

Yamashiroden

Yamashiroden là trường phái phát triển chủ yếu ở xứ Yamashiro, tương ứng với tỉnh Kyoto ngày nay. Các thợ rèn tiêu biểu của trường phái này gồm có Sanjō Munechika và Rai Kunitoshi – những nghệ nhân nổi tiếng với kỹ thuật tinh xảo. Đặc điểm của kiếm thuộc Yamashiro-den: Lưỡi kiếm thon gọn, độ cong sâu, đầu mũi nhỏ; vân kiếm thường là suguha (vân thẳng) hoặc ko-midare (vân lượn nhỏ); bề mặt thép có dạng nashiji-hada (vân giống vỏ lê), mịn và dày, thể hiện vẻ đẹp giàu tính nghệ thuật.

Yamatoden

Yamatoden là một trong những trường phái rèn kiếm lâu đời nhất, phát triển tại xứ Yamato, tương ứng với tỉnh Nara ngày nay. Trường phái này nổi bật với nhóm gọi là “Ngũ phái Yamato”, bao gồm: Senjūin-ha (千手院派), Taima-ha (当麻派), Shikkake-ha (尻懸派), Tegai-ha (手掻派), Hōshō-ha (保昌派). Điểm đặc biệt của Yamato-den là việc nhiều thợ rèn trực thuộc các chùa chiền, nên các thanh kiếm thường được chế tác phục vụ thực chiến hơn là trưng bày.

Bizenden

Bizenden là trường phái phát triển chủ yếu tại xứ Bizen, tương ứng với tỉnh Okayama ngày nay. Các trường phái tiêu biểu trong Bizen-den bao gồm: Fukuoka Ichimonji-ha và Osafune-ha. Đặc điểm nổi biệt là vân kiếm hình hoa đinh hương mềm mại và bề mặt thép dạng vân gỗ cắt ngang. 

Soshuden

Aishuden là trường phái phát triển tại xứ Sagami, tương ứng với tỉnh Kanagawa ngày nay. Các thợ rèn kiếm tiêu biểu bao gồm Shintōgo Kunimitsu và Gorō Nyūdō Masamune. Đặc điểm của trường phái này là vân kiếm lớn, bề mặt thép rõ rệt, hình dáng kiếm mạnh mẽ, mang lại cảm giác uy lực và phù hợp với chiến đấu thực tế.

Minoden

Minoden là trường phái phát triển tại xứ Mino, tương ứng với tỉnh Gifu ngày nay. Trường phái này có nguồn gốc từ Shizu Saburō Kaneuji, người sáng lập Shizu-ha, và Kaneshige, tổ sư của dòng Seki-kaji – thợ rèn kiếm vùng Seki. Đặc điểm của trường phái này là vân kiếm hình sóng không đều, kế thừa phong cách Soshuden, bề mặt thép là sự kết hợp giữa vân ngang dạng gỗ cắt và vân dọc, nổi bật với độ sắc bén cao, thích hợp cho chiến đấu, nên được nhiều võ tướng yêu thích và sử dụng.

Phân loại kiếm Nhật và đặc điểm của chúng

日本刀種類

Kiếm Nhật Bản được phân thành nhiều loại khác nhau tùy theo độ dài và hình dáng của lưỡi kiếm. Các phân loại chính bao gồm tachi, uchigatana, wakizashi và tanto. Ngoài ra, các vũ khí cán dài như yari (giáo), naginata (trường đao) hay nagamaki (trường côn kiếm) đôi khi cũng được xem là một phần của hệ thống kiếm Nhật.

Tachi

日本刀 太刀
Treo từ thắt lưng với lưỡi kiếm hướng xuống
日本刀 太刀

Tachi (太刀) là loại kiếm được sử dụng chủ yếu từ thời Heian đến thời Muromachi. Chiều dài lưỡi kiếm thường khoảng 80 cm, với đặc điểm nổi bật là độ cong sâu. Tachi được thiết kế dành cho chiến đấu trên lưng ngựa, và được đeo thắt ngang hông với lưỡi kiếm hướng xuống dưới, theo kiểu gọi là haitō (佩刀). Ngoài mục đích sử dụng trong chiến đấu, với hình dáng thanh thoát và trang nhã, Tachi còn được sử dụng như kiếm nghi lễ, thể hiện vẻ đẹp thẩm mỹ và địa vị của người sở hữu.

Uchigatana

打刀 日本刀
Nhét kiếm trực tiếp vào đai lưng với lưỡi kiếm hướng lên trên

Uchigatana (打刀) là loại kiếm xuất hiện từ thời Muromachi, với chiều dài lưỡi trên 60 cm. So với Tachi, Uchigatana có độ cong nông hơn, tạo nên hình dáng gọn gàng và linh hoạt hơn. Kiếm này được đeo với phần lưỡi hướng lên trên, kẹp trực tiếp vào đai lưng, gọi là kiểu taitō (帯刀). Uchigatana thích hợp cho chiến đấu bộ binh và trận chiến trong đội hình, phản ánh sự thay đổi trong chiến thuật thời kỳ này. Đến thời Edo, Uchigatana còn trở thành một phần quan trọng trong trang phục chính thức của võ sĩ (samurai), thể hiện địa vị và phẩm chất võ đạo.

Wakizashi 

打刀 脇差

Wakizashi (脇差) là loại kiếm phụ, thường được đeo cùng với kiếm chính Uchigatana tạo thành một cặp gọi là Daishō (大小), trong đó Wakizashi là tiểu kiếm, có chiều dài lưỡi khoảng 30–60 cm. Wakizashi được sử dụng trong chiến đấu cự ly gần, trong nhà, hoặc dùng để tự vệ, và là vật bất ly thân của các võ sĩ thời Edo. Ngoài tính thực chiến, Wakizashi còn được dùng trong nghi lễ, hay trong nghi thức seppuku (mổ bụng tự sát), cho thấy vai trò quan trọng của nó cả về mặt ứng dụng lẫn nghi lễ truyền thống.

Tanto

短刀 日本刀

Tantō (短刀) là loại kiếm nhỏ với chiều dài lưỡi dưới 30 cm, chủ yếu được sử dụng để tự vệ hoặc trong các nghi lễ. Có nhiều biến thể đặc trưng của Tantō, chẳng hạn như: Yoroidōshi dùng để đâm xuyên qua các khe hở trên giáp trụ; Kaiken một loại dao nhỏ mà phụ nữ thường mang theo để phòng thân.

Yari

Yari (槍) là loại vũ khí có cán dài với lưỡi nhọn ở đầu, đóng vai trò quan trọng trong các chiến thuật chiến đấu tập thể, đặc biệt là trong thời kỳ Chiến quốc. Tùy vào mục đích sử dụng và chiến thuật, Yari có nhiều biến thể, nổi bật như: Kudayari loại giáo có lưỡi thẳng, chuyên dùng để đâm trực diện; Jūmonji-yari có lưỡi giáo hình chữ thập, không chỉ dùng để đâm mà còn có thể thực hiện đòn chém, mở rộng khả năng chiến đấu linh hoạt.

Naginata 

薙刀

Naginata(薙刀) là một loại vũ khí có cán dài với lưỡi cong ở đầu, được sử dụng từ thời Heian. Loại vũ khí này không chỉ được dùng trong chiến trận mà còn trở nên phổ biến trong giới nữ, đặc biệt là phụ nữ thuộc tầng lớp võ sĩ (samurai). 

Nagamaki

Nagahamaki (長巻) là một loại vũ khí có lưỡi tương tự như thanh đại đao (tachi) được gắn vào cán dài, và từng được sử dụng phổ biến từ cuối thời Kamakura đến thời Muromachi. Với chiều dài tổng thể khoảng 180–210cm, nagamaki cho phép người dùng tấn công trong phạm vi rộng, rất hiệu quả trong các trận chiến quy mô lớn hoặc khi đối đầu với nhiều kẻ địch.

Thiên Hạ Ngũ Kiếm là gì? Vẻ đẹp của những thanh danh kiếm đại diện cho Nhật Bản như Mikazuki Munechika

"Thiên Hạ Ngũ Kiếm (天下五剣)" là danh hiệu chỉ năm thanh kiếm Nhật nổi tiếng nhất, được đánh giá rất cao cả về giá trị lịch sử lẫn giá trị nghệ thuật. Hãy cùng tìm hiểu tổng quan về từng thanh kiếm.

Mikazuki Munechika

Thanh kiếm danh tiếng do thợ rèn lừng danh thời Heian, Sanjō Munechika, chế tác, được xem là thanh kiếm đẹp nhất trong Thiên Hạ Ngũ Kiếm. Điểm thu hút lớn nhất của thanh kiếm này chính là họa tiết “hình trăng lưỡi liềm” hiện trên lưỡi kiếm và nền thép. Ngoài ra, thanh kiếm còn nổi bật với độ cong uyển chuyển, tinh tế và dáng vẻ tổng thể hài hòa, được đánh giá rất cao về mặt thẩm mỹ.

  • Thời kỳ chế tác: Thời Heian
  • Phân loại: Tachi
  • Người sở hữu: Gia tộc Ashikaga → Gia tộc Tokugawa → Bảo tàng Quốc gia Tokyo
  • Địa điểm triển lãm: Bảo tàng Quốc gia Tokyo (Taito-ku, Tokyo) Thường xuyên trưng bày công khai

Dojigiri Yasutsuna

Thanh đại đao do thợ rèn thời Heian, Ōhara Yasutsuna, tạo ra. Đặc trưng bởi kết cấu đồ sộ và sức nặng, thanh kiếm này được đặt tên theo truyền thuyết rằng chủ sở hữu đầu tiên là Minamoto no Yorimitsu đã dùng nó để đánh bại Shuten Doji. Với độ bén tuyệt vời cùng bối cảnh thần thoại, thanh kiếm này còn được gọi là thanh kiếm ”mạnh nhất”.

  • Thời kỳ chế tác: Thời Heian
  • Phân loại: Tachi
  • Người sở hữu: Minamoto Yorimitsu → Gia tộc Ashikaga→ Toyotomi HideyoshiTokugawa Ieyasu → Bảo tàng Quốc gia Tokyo
  • Địa điểm triển lãm: Bảo tàng Quốc gia Tokyo (Taito-ku, Tokyo) Thường xuyên trưng bày công khai 

Ōdenta Mitsuyo

Thanh kiếm danh tiếng được chế tác bởi thợ rèn Miike Denta Mitsuyo  vào cuối thời Heian. Đặc điểm nổi bật là lưỡi kiếm cong nhẹ và vân kiếm có họa tiết mạnh mẽ, thể hiện rõ bản chất mạnh mẽ của thanh kiếm. Ngoài ra, có truyền thuyết kể rằng người sở hữu thanh kiếm này sẽ khỏi bệnh, khiến nó được xem là mang sức mạnh huyền bí.

  • Thời kỳ chế tác: Thời Heian
  • Phân loại: Tachi
  • Người sở hữu: Gia tộc Ashikaga → Gia tộc Tokugawa → Gia tộc Maeda → Maeda Ikutokukai
  • Địa điểm triển lãm: Trưng bày không thường xuyên tại Bảo tàng Nghệ thuật Tỉnh Ishikawa (Thành phố Kanazawa, Tỉnh Ishikawa)

Onimaru Kunitsuna

Thanh đại đao được thợ rèn Awataguchi Kunitsuna chế tác vào thời Kamakura. Theo truyền thuyết, Hojo Tokimasa, người thường bị ác quỷ hành hạ trong mơ, đã dùng thanh kiếm này để trừ quỷ, nên được đặt tên là “Oni-maru”. Do truyền thuyết này, thanh kiếm được tôn kính như một bảo kiếm mang lại thái bình cho thiên hạ, từng thuộc sở hữu của Mạc phủ Muromachi và gia tộc tướng quân Tokugawa. Hiện nay, thanh kiếm là tài sản của Hoàng gia Nhật Bản do Cục Nội vụ quản lý và không được công khai trưng bày cho công chúng.

  • Thời kỳ chế tác: Thời Kamakura
  • Phân loại: Tachi
  • Người sở hữu: Hojo Tokiyori → Niita Yoshisada → Shiba Takatsune → Gia tộc Ashikaga → Oda Nobunaga → Toyotomi Hideyoshi → Tokugawa Ieyasu → Hoàng gia
  • Địa điểm triển lãm: Không công khai trưng bày cho công chúng vì là tài sản của Hoàng gia

Juzumaru Tsunetsugu

Thanh đại đao do thợ rèn Aoe Tsunetsugu thuộc phái Bicchū Aoe chế tác vào thời Kamakura. Thanh kiếm có tên như vậy vì nhà sư Nichiren từng mang theo thanh kiếm cùng với tràng hạt cầu nguyện. Hiện thanh kiếm được lưu giữ tại chùa Honkō-ji ở thành phố Amagasaki, tỉnh Hyōgo và chỉ được trưng bày đặc biệt mỗi năm một lần vào ngày 3 tháng 11.

  • Thời kỳ chế tác: Thời Kamakura
  • Phân loại: Tachi
  • Người sở hữu: Nichiren Jojin→ Chùa Honkoji (Thành phố Amagasaki, tỉnh Hyogo)
  • Địa điểm triển lãm: Trưng bày cho công chúng tại "Triển lãm kho báu lớn của Hiệp hội Mushiboshie" được tổ chức hàng năm vào ngày 3 tháng 11 tại chùa Honkoji

Cách tìm hiểu về kiếm Nhật trong thời hiện đại

Sau đây, chúng tôi sẽ giới thiệu cách tìm hiểu về kiếm Nhật trong thời hiện đại.

Chiêm ngưỡng những thanh kiếm nổi tiếng tại bảo tàng 

Để tìm hiểu về kiếm Nhật trong thời hiện đại, một trong những cách tốt nhất là trực tiếp chiêm ngưỡng các thanh kiếm tại các bảo tàng. Ví dụ, Bảo tàng Quốc gia Tokyo thường trưng bày những thanh kiếm quý hiếm được công nhận là Bảo vật Quốc gia hoặc Di sản Văn hóa Quan trọng, giúp bạn cảm nhận rõ nét vẻ đẹp tinh tế của vân kiếm và độ cong thanh thoát của kiếm. Ngoài ra, Bảo tàng Kiếm Nhật ở quận Sumida, Tokyo, còn tổ chức các sự kiện cho phép khách tham quan được tiếp xúc và tìm hiểu trực tiếp về kiếm Nhật qua nhiều trải nghiệm thực tế.

【Các cơ sở mà bạn có thể chiêm ngưỡng kiếm Nhật】

Bảo tàng Quốc gia Tokyo (13-9 Công viên Ueno, Taito-ku, Tokyo)

Nơi đây lưu giữ nhiều thanh kiếm danh tiếng và thường xuyên tổ chức các triển lãm đặc biệt cũng như triển lãm chuyên đề trưng bày kiếm Nhật. Đặc biệt, bảo vật quốc gia “Ōkanehira”, được xem là kiệt tác hàng đầu của trường phái Cổ Bizen và được gọi là “Yokozuna* của các thanh kiếm” cùng với Dōjigiri Yasutsuna, cũng được công khai trưng bày không thường xuyên, mang đến cơ hội quý giá để chiêm ngưỡng tận mắt gần bên thanh kiếm huyền thoại này.

*Yokozuna: Danh hiệu cao nhất trong môn sumo Nhật Bản, chỉ những võ sĩ sumo xuất sắc, có đẳng cấp vô địch và uy tín lớn nhất. Trong ngữ cảnh này, ẩn dụ chỉ thanh kiếm xuất sắc và nổi bật nhất trong số các thanh kiếm.

Bảo tàng Quốc gia Kyoto (527 Chaya-cho, Higashiyama-ku, Kyoto-shi, Kyoto)

Bảo tàng sở hữu nhiều tác phẩm kiệt xuất của kiếm Nhật. Một trong những điểm thu hút là các triển lãm đặc biệt không định kỳ, trong đó có thanh kiếm “Mutsu no Kami Yoshiyuki” được cho là từng thuộc sở hữu của Sakamoto Ryoma, giúp người xem vừa thưởng thức vừa tìm hiểu về nguồn gốc lịch sử của từng hiện vật.

Bảo tàng Kiếm (1-12-9 Yokoami, Sumida-ku, Tokyo)

Đây là bảo tàng chuyên môn do Hiệp hội Bảo tồn Kiếm Nhật Bản quản lý. Bảo tàng trưng bày nhiều thanh kiếm Nhật, bao gồm cả những hiện vật được công nhận là Bảo vật Quốc gia và Tài sản Văn hóa Quan trọng, đồng thời là trung tâm giữ gìn và phổ biến văn hóa kiếm. Trong số các tác phẩm lưu trữ, không thể bỏ qua thanh kiếm kiệt tác của Rai Kuniyuki — “Akashi Kuniyuki” được công nhận là Bảo vật Quốc gia, còn lưu giữ nguyên vẹn đến ngày nay.

Tìm hiểu về kiếm Nhật thông qua "Touken Ranbu ONLINE"

刀剣乱舞ONLINE 三日月宗近 加州清光 山姥切国広
©2015 EXNOA LLC/NITRO PLUS 

Một trong những yếu tố làm gia tăng sự quan tâm đến kiếm Nhật trong những năm gần đây chính là trò chơi trình duyệt web và ứng dụng điện thoại nổi tiếng "Touken Ranbu ONLINE". Trong game, các thanh kiếm nổi tiếng trong lịch sử được nhân hóa thành các nhân vật nam gọi là "Touken Danshi" (Những chàng trai kiếm). Nhờ cách tiếp cận vừa giải trí vừa mang tính giáo dục này, người chơi không chỉ thưởng thức game mà còn có cơ hội tìm hiểu tên gọi, nguồn gốc và các trường phái kiếm nổi tiếng, từ đó thu hút được sự quan tâm lớn, đặc biệt là từ giới trẻ, và trở thành cánh cửa dẫn vào thế giới văn hóa kiếm.

Tổng quan về "Touken Ranbu ONLINE"

"Touken Ranbu ONLINE" là một trò chơi mô phỏng nuôi dưỡng kiếm Nhật, dành cho trình duyệt web và điện thoại thông minh, được phát hành vào tháng 1 năm 2015. Trong game, người chơi sẽ nhập vai Saniwa, người có khả năng triệu hồi và điều khiển các thanh kiếm danh tiếng được nhân hóa thành các chiến binh hay còn được gọi là Touken Danshi. Nhiệm vụ của người chơi là dẫn dắt đội quân này vượt thời gian quay về quá khứ, chiến đấu để bảo vệ lịch sử khỏi sự thay đổi của thế lực xấu.

Các tính năng của "Touken Ranbu ONLINE"

Trong trò chơi, Touken Danshi được chia thành 8 loại, tương ứng với các loại vũ khí khác nhau gồm: Tantō, Wakizashi, Uchigatana, Tachi, Ōdachi, Naginata, Yari, và Ken. Mỗi loại đều có năng lực chiến đấu và tính cách riêng biệt, tạo nên sự đa dạng trong chiến thuật. Người chơi sẽ thu thập các Touken Danshi, lập đội hình riêng để huấn luyện và phát triển họ, sau đó đưa họ tham gia các trận chiến ở nhiều chiến trường lịch sử. Chiến đấu trong game chủ yếu diễn ra tự động, nhưng việc lựa chọn đội hình, trang bị, và mức độ trưởng thành của các Touken Danshi sẽ ảnh hưởng lớn đến kết quả trận chiến.

Ngoài ra, thông qua những lời thoại và các đoạn hồi tưởng trong game, người chơi còn có thể hiểu thêm về đặc điểm, nguồn gốc cũng như bối cảnh lịch sử của từng thanh kiếm. Nhờ vậy, "Touken Ranbu ONLINE" không chỉ là một trò chơi giải trí, mà còn mang đến cơ hội khám phá lịch sử và văn hóa kiếm Nhật một cách thú vị.

Trò chơi hoàn toàn miễn phí, bất kỳ ai cũng có thể dễ dàng bắt đầu, và đây cũng chính là một trong những lý do giúp tựa game này được yêu thích rộng rãi, đặc biệt là đối với giới trẻ

Trang web chính thức của Touken Ranbu ONLINE

https://www.toukenranbu.jp/ 


< Tài liệu Tham khảo>
・ Đặc điểm của kiếm Nhật Bản và các loại chứng chỉ https://www.tsuruginoya.net/certificate-type/
・Tamagane và kiếm Nhật Bản https://tetsunomichi.gr.jp/katana/
・Thế giới Kiếm thuật Osaka https://www.osaka-touken-world.jp/
・Thế giới Kiếm Nagoya https://www.touken-collection-nagoya.jp/
・Touken World Tokyo https://www.tokyo-touken-world.jp/
・Thế giới Kiếm https://www.touken-world.jp/
・Đặc điểm của quy trình sản xuất kiếm Nhật Bản là gì? Đặc điểm tổ chức của thanh kiếm Nhật Bản là gì? https://kawakami-ironworks.com/column/japanese-sword/
・Quy trình chế tạo và đánh bóng kiếm - Bảo tàng Kiếm https://www.touken.or.jp/museum/sword/step.html
・Tenka-Goken - Bảo tàng Kiếm Nagoya https://www.meihaku.jp/sword-basic/tengagoken/

Mục lục

Survey[Trả lời khảo sát]Hãy trả lời những câu hỏi về du lịch Nhật Bản.







Giới thiệu thêm