Vòm bom nguyên tử, Công viên tưởng niệm hòa bình, Bảo tàng tưởng niệm hòa bình ở Hiroshima - Di sản thế giới với thông điệp "NO MORE HIROSHIMA"

Vào ngày 6 tháng 8 năm 1945, ở cuối thời kì Chiến tranh thế giới thứ hai, quả bom nguyên tử đầu tiên trong lịch sử nhân loại đã được thả xuống thành phố Hiroshima, tỉnh Hiroshima. Nhiệt độ của tâm chấn khi vũ khí hạt nhân rơi xuống vượt quá 1 triệu độ C, và nhiệt độ của mặt đất xung quanh lên đến 3.000 - 4.000℃. Các tòa nhà ở thành phố Hiroshima bị sụp đổ ngay lập tức, ước tính có khoảng 140.000 người chết vào cuối tháng 12 cùng năm.

Công viên tưởng niệm hòa bình Hiroshima được xây dựng tại quận Naka, thành phố Hiroshima (nơi gần trung tâm vụ nổ) với hy vọng thế giới được hòa bình mãi mãi. Mái vòm bom nguyên tử - nơi được chứng nhận là Di sản thế giới, cùng với Bảo tàng tưởng niệm hòa bình Hiroshima - nơi mô tả tình trạng của thành phố Hiroshima vào thời điểm xảy ra vụ ném bom, là những nơi hiện vẫn đang tiếp tục truyền tải những thảm kịch của vụ ném bom nguyên tử tới các thế hệ tương lai.

Công viên tưởng niệm hòa bình Hiroshima - Nơi được xây dựng với mong ước hòa bình thế giới 

Quận Naka - nơi có Công viên tưởng niệm hòa bình cũng được xem là khu vực trung tâm của thành phố Hiroshima. Tại đây có tòa thị chính cũng như các tòa nhà chính quyền tỉnh từ thời Edo đến đầu thời Showa. 

Sau vụ ném bom nguyên tử, dựa trên Luật Xây dựng Thành phố Tưởng niệm Hòa bình Hiroshima được ban hành vào ngày 6 tháng 8 năm 1949, Công viên tưởng niệm hòa bình Hiroshima đã được xây dựng và hoàn thành công trình vào năm 1955, nhằm phát triển khu vực trung tâm thành phố. Nơi đây được xem như là biểu tượng của hòa bình vĩnh cửu. Kiến trúc sư Kenzo Tange cùng ba người khác đã phụ trách thiết kế về công trình này.

Nguồn: Hiroshima Prefecture

Công viên tưởng niệm hòa bình Hiroshima, với diện tích rộng 122.100 mét vuông đã được chỉ định là danh lam thắng cảnh vào năm 2007. Đây cũng là nơi có Mái vòm bom nguyên tử, được ghi nhận là Di sản thế giới, cùng với Bảo tàng tưởng niệm hòa bình Hiroshima được ghi nhận là Tài sản văn hóa quan trọng.

Xung quanh khu vực có rất nhiều bia mộ, đài tưởng niệm, bao gồm cả đài tưởng niệm cho những nạn nhân của trận bom năm đó. 

Đài tưởng niệm cho các nạn nhân  bom nguyên tử (Đài tưởng niệm thành phố Hiroshima)

Nguồn: Hiroshima Prefecture

Trong khu vực công viên có tổng cộng 35 tượng đài kỷ niệm. Tại Đài tưởng niệm các nạn nhân bom nguyên tử năm ấy, có danh sách lưu tên của những người đã chết trong thảm cảnh năm xưa. Phía trên còn có mái vòm được mô phỏng theo kiểu Haniwa truyền thống, với mong muốn “Bảo vệ linh hồn của các nạn nhân bom nguyên tử khỏi mưa và sương". 

Nếu bạn nhìn vào mái vòm Haniwa ở phía trước của đài tưởng niệm, bạn có thể nhìn thấy vị trí Mái vòm bom nguyên tử nằm ở bên kia. Mặt trước của tượng đài có khắc lời cầu chúc hòa bình "Xin hãy yên nghỉ. Sai lầm sẽ không được tái diễn nữa".

Và ngay tại đài tưởng niệm dành cho các nạn nhân bom nguyên tử, mọi người cũng có thể dâng hoa để cầu nguyện đấy. 

Xung quanh đài tưởng niệm có Hồ hòa bình. Đây cũng là trung tâm của khu vực công viên. Hồ được xây dựng nhằm để an ủi linh hồn của những nạn nhân trong trận bom nguyên tử đã chết khi họ tìm kiếm nguồn nước và sự cứu trợ. 

Bên cạnh đó, hồ cũng được thiết kế nhằm làm nổi bật những đài tưởng niệm xung quanh. Cứ vào ngày 6 tháng 8 hàng năm, Lễ tưởng niệm hòa bình sẽ được tổ chức ngay tại công viên, giây phút mặc niệm để tưởng nhớ người đã khuất được diễn ra vào 8:15 sáng.

Đài tưởng niệm hòa bình trẻ em

Nguồn: Hiroshima Prefecture

Cô bé Sadako Sasaki là nạn nhân của trận bom nguyên tử khi chỉ mới 2 tuổi, cô đã bị di chứng và mất vào năm 12 tuổi. Sau khi cô mất, các bạn cùng lớp của cô đã kêu gọi cả nước xây dựng đài tưởng niệm cho tất cả những trẻ em đã mất trong vụ ném bom nguyên tử thảm khốc. 

Và từ đó, Đài tưởng niệm hòa bình trẻ em (hay còn được gọi là Tháp ngàn cánh hạc giấy) đã được xây dựng bằng tiền quyên góp từ 3,200 trường học trên khắp Nhật Bản, và 9 quốc gia trên thế giới, tiêu biểu như nước Anh. Cho đến nay vẫn có khoảng 10 triệu con hạc giấy được gửi về đây mỗi năm, không chỉ trong nước mà từ khắp nơi trên thế giới.

Chuông hòa bình

Nguồn: Hiroshima Prefecture

Tháp chuông có hình mái vòm đại diện cho vũ trụ. Bề mặt chuông có chạm nổi hình bản đồ thế giới không biên giới, tượng trưng cho ý nghĩa “Thế giới là một thể.”

Chuông sẽ được ngân lên vào lúc 8:15 sáng, đây cũng là thời điểm nhân loại lần đầu tiên hứng phải bom nguyên tử. Tiếng chuông như một lời cầu nguyện cho hòa bình của nhân loại vậy. Âm thanh của chiếc chuông này đã được Bộ môi trường chọn là "Một trong 100 loại âm thanh cần được bảo tồn tại Nhật Bản".

Mái vòm nguyên tử - Công trình duy nhất trên thế giới còn tồn tại sau sức công phá khủng khiếp của bom nguyên tử 

Vào cuối thời Minh Trị, cả hai ngành công nghiệp truyền thống và hiện đại đều phát triển mạnh tại Hiroshima. Vậy nên nhu cầu khai thác và mua bán các sản phẩm dành cho quân sự cũng được đề cao trong thời gian này. 

Mái vòm nguyên tử trước đây từng đóng vai trò là căn cứ chính của các cuộc giao dịch. Nơi đây được được hoàn thành xây dựng vào tháng 4 năm 1915 với tên gọi là "Tòa triển lãm sản phẩm của tỉnh Hiroshima". 

Vào thời điểm đó, trái ngược với hầu hết các tòa nhà bằng gỗ 2 tầng ở trung tâm thành phố Hiroshima, tòa triển lãm với thiết kế mới lạ theo phong cách Châu Âu và đóng vai trò như bảo tàng và phòng trưng bày nghệ thuật, nên đã được xem là một trong những địa điểm nổi tiếng ở Hiroshima. 

Vào ngày 6 tháng 8 năm 1945, quả bom nguyên tử đã được thả xuống thành phố Hiroshima. Mặc dù tòa triển lãm đã bị phá hủy hoàn toàn do vị trí nằm gần với tâm chấn vụ nổ, nhưng điều kỳ diệu ở đây là phần trung tâm của tòa nhà đã không bị sụp đổ! Đây là một trong số ít các tòa nhà gần tâm chấn còn tồn tại sau vụ ném bom nguyên tử. 

Sau chiến tranh, nơi đây được gọi là "Mái vòm nguyên tử" do phần khung thép đặc trưng còn sót lại.

Mái vòm nguyên tử đã được UNESCO công nhận là Di sản thế giới vào năm 1996, và hiện là một trong những điểm thu hút khách du lịch của tỉnh Hiroshima. Song vào thời điểm bấy giờ, các cuộc thảo luận đã diễn ra nhằm xem xét nên bảo tồn nơi đây như một đài tưởng niệm, hay phá bỏ với lý do tòa nhà sẽ gợi lại các hồi ức đau thương. 

Vào năm 1953, Mái vòm nguyên tử đã được chính quyền tỉnh Hiroshima bàn giao cho thành phố Hiroshima, và được bảo tồn gần như nguyên vẹn sau vụ đánh bom. Vào tháng 7 năm 1966, Hiệp hội thành phố Hiroshima đã thực hiện nghị quyết kêu gọi bảo tồn Mái vòm nguyên tử và bắt đầu chiến dịch gây quỹ. Mãi cho đến năm 1996, nơi đây mới được quyết định bảo tồn vĩnh viễn. Cho đến nay, công trình bảo tồn đã được thực hiện đến 3 lần rồi đấy.

Thông tin địa điểm

  • Tên địa điểm: Công viên Tưởng niệm Hòa bình / Mái vòm nguyên tử (平和記念公園・原爆ドーム)
  • Địa chỉ:1 Nakajima-cho and 1-10 Otemachi, Naka Ward, Hiroshima City, Hiroshima
  • Cách đi đến: Đi bộ khoảng 5 phút từ ga Hondori, thuộc tuyến Astram (Hiroshima Electric Railway)
  • Thời gian mở cửa: Mở cửa tự do 
  • Ngày nghỉ: Không có

Bảo tàng tưởng niệm hòa bình hòa bình Hiroshima với thông điệp "NO MORE HIROSHIMA"

Bảo tàng tưởng niệm hòa bình Hiroshima nằm trong khuôn viên của Công viên tưởng niệm hòa bình Hiroshima thuộc quận Naka, thành phố Hiroshima. Nơi đây trưng bày các tài liệu liên quan đến vụ ném bom nguyên tử. 

Vào ngày 5 tháng 7 năm 2006, tòa nhà chính của khu vực được công nhận là là Di sản văn hóa quốc gia đầu tiên, với tư cách là công trình sau chiến tranh. Giống như Công viên tưởng niệm hòa bình, tòa nhà này được thiết kế bởi ông Tange Kenzo, và đã được cộng đồng quốc tế đánh giá cao.

Nguồn: Hiroshima Prefecture
Nguồn: Hiroshima Prefecture

Bảo tàng gồm có tòa nhà phía Đông nằm ở phía Đông, và tòa nhà chính ở phía Tây. 2 tòa nhà này được nối với nhau bằng một hành lang rộng. 

Ở tòa nhà phía Đông, lịch sử về trận ném bom nguyên tử xuống thành phố Hiroshima được giới thiệu thông qua 3 khu vực: "Triển lãm giới thiệu sơ lược", "Nguy cơ của vũ khí hạt nhân", "Lịch sử của Hiroshima". Ngoài ra, những cuộc triển lãm đặc biệt và triển lãm tư liệu mới cũng được tổ chức tại đây. 

Mặt khác, tòa nhà chính thì trưng bày các bức ảnh và tư liệu liên quan đến di vật của các nạn nhân, và tình hình thảm khốc của trận bom nguyên tử, thông qua đó giúp du khách hiểu được phần nào những gì đã thực sự xảy ra ở Hiroshima vào ngày 6 tháng 8 năm 1945. 

Nguồn: Hiroshima Prefecture
Nguồn: Hiroshima Prefecture

Tại đây còn trưng bày hơn 20.000 hiện vật, tư liệu về thảm họa bom nguyên tử. Trong đó có một góc video thuật lại những lời chứng thực của những nạn nhân còn sống sót sau vụ đánh bom, cũng như di vật của những người đã mất trong thảm họa năm đó. Thông điệp "NO MORE HIROSHIMA" tại đây mang ý nghĩa "không bao giờ để thảm kịch Hiroshima bởi bom nguyên tử tái diễn lần nữa".

Thông tin địa điểm

  • Tên địa điểm: Bảo tàng tưởng niệm hòa bình Hiroshima (広島平和記念資料館)
  • Địa chỉ: 1-2 Nakajimacho, Naka Ward, Hiroshima City, Hiroshima Prefecture
  • Cách đi đến: Từ ga JR Hiroshima, đón tuyến xe buýt Hiroshima Bus tuyến số 24 (Yoshijima), đi hướng "Yoshijima-eigyosho (吉島営業所)" hoặc "Yoshijima-byoin (吉島病院)" sau đó xuống tại bến "Heiwa-kinen-koen (平和記念公園)".
  • Thời gian hoạt động:
    • Tháng 3 - tháng 7    :  08:30 - 18:00
    • Tháng 8                     :  08:30 - 19:00 (ngày 5 và 6 tháng 8 sẽ mở đến 20:00)
    • Tháng 9 - tháng 11  :  08:30 - 18:00
    • Tháng 12 - tháng 2  :  08:30 - 17:00
  • Ngày nghỉ: 30/12 - 31/12  ※Tuy nhiên, phòng lưu trữ tài liệu thông tin sẽ đóng cửa từ ngày 29/12 - 1/1.
  • Thời gian thay đổi triển lãm : tháng 2 (3 ngày kể từ giữa tháng )
  • Giá vé: 
    • Người lớn (sinh viên đại học trở lên): 200 yên 
    • Học sinh trung học phổ thông: 100 yên 
    • Học sinh trung học cơ sở trở xuống: miễn phí

Mục lục

Survey[Trả lời khảo sát]Hãy trả lời những câu hỏi về du lịch Nhật Bản.







Giới thiệu thêm