Tổng hợp các sự kiện và lễ hội khắp Tokyo

Tokyo là thành phố lớn nhất Nhật Bản, nên chẳng lạ khi ở Tokyo quanh năm đều có rất nhiều sự kiện và lễ hội khác nhau. Đi picnic ngắm hoa anh đào nở rộ, hay là xem trình diễn cưỡi ngựa bắn cung, Tokyo đều có hết. 

Tháng 1 – Đi chùa đầu năm (Mùng 1~3 tháng 1)

Hatsumode có nghĩa là đi lễ đầu năm. Đối với người Nhật, trong vòng ba ngày đầu tiên của năm mới, việc đi lễ chùa đền có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, cầu chúc cho một năm mới tốt lành. Đây cũng là dịp người Nhật sẽ mang những chiếc bùa cầu may cũ đến chùa hay đền, làm lễ đốt bùa cũ để xin bùa mới cho năm tới. 

Với ý nghĩa thiêng liêng như vậy, nhiều đền chùa kết hợp tổ chức lễ đón năm mới với Hatsumode ngay sau khi đồng hồ thời khắc giao thừa điểm lên. Ước tính có khoảng 3 triệu lượt khách ghé thăm đền Meiji Jingu trong vòng ba ngày đầu tiên của năm mới. Một địa điểm cũng không kém phần nổi tiếng khác là chùa Narita Shinshoji ở gần sân bay Narita, thu hút hơn 1 triệu lượt khách vào thời điểm năm mới mỗi năm. 

Thông tin địa điểm

  • Tên địa điểm: Đền Meiji Jingu
  • Địa chỉ: 1-1, Kamozono-cho, Yoyogi, Shibuya-ku, Tokyo 151-8557
  • Đi lại: Ga Harajuku (Tuyến JR Yamanote) hoặc ga Meiji-jingumae (Tuyến Tokyo Metro Chiyoda hoặc Fukutoshin)

Thông tin địa điểm

  • Tên địa điểm: Chùa Narita Shinshoji 
  • Địa chỉ: 1 Narita, Chiba, 286-0023
  • Đi lại: Cách ga Keisei Narita hoặc JR Narita 10 phút đi bộ 

Tháng 2 – Tiết Lập Xuân "Setsubun" (Mùng 3 tháng 2)

Setsubun có nghĩa là "Tiết phân", chỉ thời điểm giao mùa trong năm. Một năm có 4 tiết phân ứng với 4 thời điểm thay mùa. Đối với người Nhật, "Tiết phân" quan trọng nhất là ngày Lập xuân. Lễ hội Setsubun cũng giống như Hatsumode, được tổ chức khắp Nhật Bản. Thế nhưng có giai thoại cho rằng, chùa Sensoji ở Asakusa là nơi đầu tiên bắt đầu tổ chức lễ hội chào đón tiết lập xuân.

Vào ngày lập xuân, mọi người sẽ cùng ném đậu và reo vang câu “Oni wa soto! Fuku wa uchi!”, có nghĩa là "Quỷ dữ đi đi! Phúc lành mau đến!" Nhiều người tin rằng chùa Sensoji thiêng đến mức quỷ không dám bén mảng đến, thế nên ở Sensoji mọi người chỉ việc hô "Phúc lành mau đến!" thôi. Nếu có dịp hãy ghé thăm Sensoji vào mùng 3 tháng 2 để xem mọi người ném đậu ăn mừng thế nào nhé.

Thông tin địa điểm

  • Tên địa điểm: Chùa Sensoji 
  • Địa chỉ: 2-3-1 Asakusa, Taito-ku, Tokyo, 111-0032
  • Đi lại: 5 phút đi bộ từ ga Asakusa (Tuyến Tobu Skytree, Tokyo Metro Ginza, Tsukuba Express, Toei Asakusa Subway)

Tháng 3 – Lễ hội hoa anh đào

Có lẽ thời điểm thu hút nhiều khách du lịch ghé thăm Nhật Bản nhất chính là mùa hoa anh đào. Người người từ khắp nơi trên thế giới kéo về nơi đây chỉ để chiêm ngưỡng sắc trắng trắng hồng hồng tưng bừng nở rộ. Mà cũng hay, hoa chỉ mãn khai trong vòng khoảng một tuần thôi, tùy nhiệt độ mỗi năm mà thời điểm hoa nở trong năm này cũng khác so với năm trước.

Khu Nihonbashi tổ chức lễ hội hoa anh đào mỗi năm, với toàn bộ không gian được trang trí với chủ đề hoa anh đào. Nếu bạn có chẳng may lỡ mất thời điểm hoa mãn khai thì cũng đừng lo, bạn vẫn có thể tận hưởng không khí lễ hội đậm đà màu sắc văn hóa lịch sử.

Tháng 4 – Lễ hội cưỡi ngựa bắn cung Yabusame 

Mỗi năm vào khoảng giữa tháng tư, tại công viên Sumida sẽ tổ chức lễ hội cưỡi ngựa bắn cung Yabusame. Yabusame vốn là nghi thức chỉ do các cung thủ và võ sĩ samurai thực hiện. Mục tiêu là vừa cưỡi ngựa vừa cố gắng bắn 3 mũi tên có đầu tròn vào 3 mục tiêu bằng gỗ. Nghe đã không thấy đơn giản rồi, thực tế còn khó hơn rất nhiều.

Thông tin địa điểm

  • Tên địa điểm: Công viên Sumida 
  • Địa chỉ: 1-2-5 Mukojima, Sumida-ku, Tokyo, 131-0033
  • Đi lại: 5 phút đi bộ từ ga Asakusa (Tuyến Tobu Skytree, Tokyo Metro Ginza)

Tháng 5 – Lễ hội hoa hồng

Tháng 5 là thời điểm trăm hoa đua nhau khoe sắc khắp Tokyo. Hãy tìm đến vườn hoa Kyu Furukawa, nơi trồng 90 loại hoa hồng khác nhau nhiều màu sắc đồng loạt nở rộ cùng lúc. Căn nhà tọa lạc giữa vườn hoa được thiết kế theo phong cách châu Âu pha trộn với kiến trúc thời Taisho bởi vị kiến trúc sư người Anh - Josiah Condor.

Thông tin địa điểm

  • Tên địa điểm: Vườn Kyu Furukawa 
  • Địa chỉ: 1-27-39 Nishigahara, Kita-ku, Tokyo, 114-0024
  • Đi lại: 
    • 7 phút đi bộ từ ga Kami-Nakasato (Tuyến JR Keihin-Tohoku)
    • 7 phút đi bộ từ ga Nishigahara (Tuyến Tokyo Metro Namboku)
    • 12 phút đi bộ từ ga Komagome (Tuyến JR Yamanote)
    • 18 phút đi bộ từ ga Asukayama (Tuyến Toden Arakawa)

Tháng 6 – Lễ hội hoa Diên vĩ

Khu Katsushika có hai công viên nổi tiếng với hoa diên vĩ nở rất đẹp: công viên Horikiri Shobuen và công viên Mizumoto. Công viên Horikiri Shobuen thì nổi tiếng với dân Tokyo hơn, gồm hơn 6,000 khóm hoa diên vĩ nở quanh thời điểm đầu tháng 6. Lễ hội hoa diên vĩ vì thế cũng được tổ chức cùng lúc, giờ mở cửa cũng kéo dài hơn. Công viên Mizumoto thì nằm ngay gần đó, với hơn 14,000 khóm hoa trong không gian vườn hồ.

Thông tin địa điểm

  • Tên địa điểm: Công viên Horikiri Shobuen
  • Địa chỉ: 2-19-1 Horikiri, Katsushika-ku, Tokyo, 124-0006
  • Đi lại: 10 phút đi bộ từ ga Horikiri Shobu-en (Keisei Main Line)

Thông tin địa điểm

  • Tên địa điểm: Công viên Mizumoto 
  • Địa chỉ: 3-2 Mizumoto Koen, Katsushika-jy, Tokyo, 125-0034
  • Đi lại: Từ ga Kanamachi, đi xe buýt Keisei (về hướng Togasaki-soshajo hoặc Nishi-Mizumoto-Sanchome), xuống tại bến Mizumoto-Koen. Đi bộ 7 phút. 

Tháng 7 – Lễ hội hoa Bìm bìm (Mùng 6~8 tháng 7)

Hoa bìm bìm, trong tiếng Nhật gọi là Asagao có nghĩa là "gương mặt của sớm mai", trong tiếng Anh gọi là Morning Glory có nghĩa là "hào quang ban mai", một loài hoa lộng lẫy tượng trưng cho mùa hè. Mùa hè ở Tokyo có rất nhiều sự kiện, nhưng độc đáo nhất phải kể đến lễ hội Iriya Asagao, có lịch sử từ thời Edo. Tại lễ hội này, bạn có thể đếm được khoảng 120 cửa hàng bán hoa bìm bìm, cùng với hàng loạt quầy đồ ăn vặt, thích hợp cho những chuyến đi gia đình hay tụ tập bạn bè. Lễ hội được tổ chức trong khoảng mùng 6~8 tháng 7 mỗi năm, và cũng là lễ hoa bìm bìm lớn nhất khắp Nhật Bản.

Thông tin địa điểm

  • Têm địa điểm: Lễ hội Iriya Asagao tại đền Kishimojin, khu Kotoi-Dori
  • Địa chỉ: 1-12-16 Shitaya, Taito City, Tokyo
  • Đi lại: 
    • 3 phút đi bộ từ cửa Nam ga Uguisudani (Tuyến JR Yamanote hoặc Keihin-Tohoku) 
    • 1 phút đi bộ từ ga Iriya station (Tuyến Tokyo Metro Hibiya)

Tháng 8 – Lễ hội Thất tịch ở Asagaya 

Lễ hội thất tịch ở Asagaya, hay còn biết đến với những cái tên Asagaya Tanabata Matsuri hoặc Star Festiva, là một trong ba lễ hội thất tịch lớn nhất khắp Nhật Bản. Trong suốt thời điểm diễn ra lễ hội, xung quanh khu vực nhà ga được trang hoàng với những cây trúc Sasaki treo đầy những mảnh giấy nhỏ nhiều màu sắc mang theo ước nguyện của mọi người.

Thông tin địa điểm

  • Tên địa điểm: Phố mua sắm trung tâm Asagaya Pearl - ga Asagaya
  • Địa chỉ: 1-36-7 Asagayaminami, Suginami-ku, Tokyo
  • Đi lại: ga JR Asagaya hoặc ga Minami Asagaya (Tuyến Tokyo Metro Marunouchi)

Tháng 9 – Đại lễ hàng năm tại đền Nezu Jinja 

Đại lễ hàng năm tại đền Nezu Jinja lần đầu tiên tổ chức vào năm 1714, được coi là một trong ba lễ hội lớn nhất trong thời kỳ Edo. Khi đó, vào ngày đại lễ, tất cả các con thuyền từ mọi góc ngách khắp Edo sẽ được tập hợp lại và diễu hành trên phố, trong tiếng chung vui của mọi người. Ngày nay vào dịp đại lễ, bạn vẫn có thể bắt gặp mọi người mang theo những bàn thờ kiệu thờ cùng diễu hành trên phố, cùng với những quầy đồ ăn vặt hai bên đường.

Thông tin địa điểm 

  • Tên địa điểm: Đền Nezu Jinja
  • Địa chỉ: 1-28-9 Nezu, Bunkyo City, Tokyo
  • Đi lại: 5 phút đi bộ từ ga Todaimae (Tuyến Tokyo Metro Nanboku), ga Nezu hoặc ga Sendagi (Tuyến Tokyo Metro Chiyoda)

Tháng 10 – Lễ hội Oeshiki tại chùa Ikegami Honmonji

Lễ hội Oeshiki là lễ hội Phật giáo thường niên tại khu Ota nhằm tưởng niệm Nhật Liên Thánh Nhân, nhà sư khai tổ Nhật Liên Tông. Ngài đã qua đời tại đây, ngay tại ngôi chùa Ikegami Honmonji. Thế nên dù lễ hội Oeshiki được tổ chức khắp Nhật Bản, lễ hội Oeshiki tại chính chùa Ikegami Honmonji long trọng nhất, lớn nhất. Lễ hội này có lịch sử hơn 730 năm.  

Thông tin địa điểm 

  • Tên địa điểm: Chùa Ikegami Honmonji 
  • Địa chỉ: 1-1-1, Ikegami, Ōta-ku, Tokyo
  • Đi lại: 15 phút đi bộ từ ga Nishi-Magome (Tuyến Toei Asakusa Subway) hoặc ga Ikegami (Tuyến Tokyu Ikegami)

Tháng 11 – Trình diễn ánh sáng ban đêm mùa thu tại vườn Rikugien 

Tháng 11 cũng là thời điểm lý tưởng để ghé thăm Nhật Bản trong sắc "momiji" - sắc lá sang thu. Cả đất trời, cả rừng cây dần dần đổi mình sang một tư thái trầm lắng hơn, điềm đạm hơn, với gam màu đỏ, cam, vàng nồng ấm như chính tiết trời thu. Một trong những nơi lý tưởng nhất để ngắm lá thu ở Tokyo là vườn Rikugien, cách ga Komagome chỉ vài phút đi bộ. Khu vườn này cũng nổi tiếng vào mùa xuân với trăm cây anh đào nở rực rỡ, thế nhưng vào mùa thu bạn còn có thể chiêm ngưỡng khung cảnh lung linh khi toàn bộ khu vườn lên đèn buổi đêm. Vườn có một cái hồ lớn, rất tuyệt để chụp những bức ảnh rừng cây phản chiếu trên bề mặt hồ như gương.

Thông tin địa điểm

  • Thông tin địa điểm: Vườn Rikugien
  • Địa chỉ:  6-16-3 Honkomagome, Bunkyo-ku, Tokyo, 113-0021
  • Đi lại: 
    • 7 phút đi bộ từ ga Komagome (Tuyến JR Yamanote hoặc tuyến Tokyo Metro Nanboku) 
    • 10 phút đi bộ từ ga Sengoku (Tuyến Toei Mita Subway)

Tháng 12 – Chợ đồ cũ Setagaya Boro-ichi

Chợ đồ cũ Boro-ichi có lịch sử hơn 430 năm, được coi là một trong những di sản phi vật chất của nền văn hóa dân gian Tokyo, được tổ chức tại khu Setagaya. “Boro” có nghĩa là "rách, nát" thế nhưng không phải là chợ bán toàn món đồ rách nát đâu mà chỉ đơn giản có nghĩa đây là chợ đồ cũ thôi! 

Có hơn 700 gian hàng trong khu chợ, bạn có thể tìm thấy mọi thứ từ các phụ kiện bé bé xinh xinh cho đến các nhu yếu phẩm hằng ngày, đồ chơi, cây, quần áo, vải vóc. Đồ ăn vặt được yêu thích nhất tại khu chợ là bánh mochi củ cải, nghe rất thú vị đúng không? 

Thông tin địa điểm

  • Tên địa điểm: Khu Setagaya Boro-ichi Dori 
  • Địa chỉ: 1-chōme Setagaya, Setagaya-ku, Tōkyō-to, 154-0017
  • Đi lại: Khoảng 3 phút đi bộ từ ga Setagaya hoặc ga Kamimachi (Tuyến Tokyu Setagaya)

Mục lục

Survey[Trả lời khảo sát]Hãy trả lời những câu hỏi về du lịch Nhật Bản.







Giới thiệu thêm