【婚活:Kon katsu】 Tình yêu và hôn nhân Nhật Bản - Có khác gì với phong tục tại đất nước của bạn không ?

Tại đất nước của bạn, làm thế nào để tìm kiếm cũng như gặp được "người bạn đời" của mình?

Ngay tại Nhật Bản, có rất nhiều cách khác nhau để người Nhật tìm kiếm một "đối tượng tiềm năng", chẳng hạn như một buổi hẹn ăn tối thân mật thường được gọi là "gokon" (合 コ ン),  nơi những người đàn ông và phụ nữ đang tìm kiếm một nửa của mình tụ họp, giao lưu với nhau, hay thông qua các ứng dụng hẹn hò đang dần trở nên phổ biến trong những năm gần đây. Chính vì vậy có hẳn một từ ngữ riêng dành cho các hoạt động giao lưu, tìm hiểu này, chính là konkatsu (婚 活) - "các hoạt động tìm kiếm người bạn đời". 

Và trong bài viết lần này, mình sẽ giới thiệu rõ hơn về nét văn hóa konkatsu (婚 活) vô cùng độc đáo của Nhật Bản nhé!

Konkatsu (婚 活) là gì?

Konkatsu (婚 活) dùng để chỉ những “hoạt động” (活動 / katsudo) nhằm tìm kiếm đối tượng để đi đến “hôn nhân” (結婚 / kekkon). Có thể hiểu nôm na, là đi "xem mắt"  đối tượng thông qua các buổi gặp gỡ nhằm mục đích tiến xa hơn trong hôn nhân. 

Trước Chiến tranh thế giới thứ hai, hình thức "hôn nhân sắp đặt" (kết hôn với đối tượng đã được cha mẹ hoặc họ hàng sắp đặt từ trước) vốn vô cùng phổ biến tại Nhật Bản. Theo Viện Nghiên cứu Dân số và An sinh Xã hội Quốc gia, trước Thế chiến II, khoảng 70% các cặp kết hôn là "hôn nhân sắp đặt". Tuy nhiên, hiện nay các cuộc hôn nhân được gây dựng bởi tình yêu đa số chiếm tỉ lệ khá lớn, chỉ có 5% (tính đến năm 2015) là các cuộc hôn nhân sắp đặt.



Ngày nay, "hôn nhân tình yêu - hôn nhân dựa trên cơ sở yêu đương" đã trở thành xu hướng chủ đạo. Dẫu hiện nay chúng ta có thể tự do lựa chọn đối tượng kết hôn phù hợp, tuy nhiên lại có rất nhiều người lo lắng và quan ngại về việc làm thế nào để tìm ra được " người bạn đời" lý tưởng để đi đến hôn nhân?

Những người Nhật độc thân thường than vãn rằng họ chưa từng có cơ hội "xem mắt" bao giờ, hay nói cách khác, nếu chỉ cứ sống một cuộc sống "bình thường" thì khó lòng có thể kiếm cho mình bất kỳ cuộc gặp định mệnh nào cả. Một trong số những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này đó chính là sự phát triển thần tốc của mạng Internet, chúng khiến cho sự tương tác giữa người với người dần trở nên ít đi so với trước đây. Ngoài ra, ở Nhật, người ta rất chuộng việc kết hôn với đồng nghiệp cùng cơ quan, tuy nhiên với tình hình làm việc online hiện tại, khiến cho việc tìm kiếm "đối tác hôn nhân" cùng cơ quan nay lại trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Do đó, ngày càng có nhiều người dành nhiều thời gian, tiền bạc để tìm kiếm "người bạn đời" của mình. 

Thực trạng Konkatsu (婚 活) tại Nhật

 Vậy những người Nhật hiện đại ngày nay làm thế nào để gặp được "đối tượng kết hôn" của mình? Mình sẽ giới thiệu một số cách thức chính sau đây. 

① Ứng dụng hẹn hò 


Việc sử dụng các ứng dụng hẹn hò đang lan rộng và trở nên phổ biến trên toàn thế giới, và Nhật Bản cũng không phải là một ngoại lệ. Tại Nhật có một số ứng dụng hẹn hò được chính người Nhật phát minh vốn rất được ưa chuộng như là "Pair - ペアーズ" hay "Omiai". Số lượng người Nhật sử dụng các ứng dụng hẹn hò đang dần tăng lên theo từng năm, theo một cuộc khảo sát của Recruit, có khoảng 11% các cặp đôi đã đi đến hôn nhân trong năm 2022 gặp nhau thông qua các hình thức hẹn hò trực tuyến này. 

② Gokon-Hẹn hò nhóm 

Ở Nhật Bản, có một sự kiện nho nhỏ được gọi là "gokon", một hình thức rất phổ biến để nam nữ độc thân có thể gặp nhau và tìm hiểu. Trong sự kiện này, những người đàn ông và phụ nữ gặp nhau lần đầu tiên tụ tập tại một nhà hàng hoặc Izakaya- quán nhậu... vừa uống rượu vừa trò chuyện nhằm tìm hiểu nhiều hơn về đối tượng mong muốn được hẹn hò. 

Thay vì những buổi "xem mắt" 1-1 như là "Blind date - buổi xem mắt với đối tượng chưa hề biết mặt", nó sẽ dễ dàng hơn với một nhóm khoảng 3-4 cặp đôi đấy. 

Trong khi vừa ăn uống, trò chuyện tại buổi "xem mắt" -gokon, những người tham gia thường sẽ nói về công viêc, sở thích hoặc quan điểm về tình yêu. Và nếu có ai đó mà người tham gia quan tâm, họ sẽ hỏi và xin thông tin liên lạc ngay tại chỗ và ngỏ ý cho một cuộc hẹn hò sắp tới. 

Từ "gokon" được cho là bắt nguồn từ đầu những năm 1980. Kể từ đó, sự kiện này được xem  như là một nơi để tìm kiếm tình yêu hay xa hơn nữa là đối tác kết hôn, chủ yếu là những người tương đối trẻ như sinh viên đại học hay những người ở độ tuổi đôi mươi. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, số lượng người tham gia sự kiện này đã giảm một cách rõ rệt do sự phát triển tràn lan của các ứng dụng hẹn hò khác nhau cũng như những hạn chế trong việc sử dụng dịch vụ tại nhà hàng bởi sự ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch coronavirus (COVID-19).


③ Trung tâm mai mối 

Công ty mai mối là một dịch vụ trả phí nhằm giới thiệu những dối tượng thích hợp nhằm tiến tới hôn nhân. Phí đăng ký sẽ khác nhau tùy thuộc vào công ty hay trung tâm tư vấn, con số có thể lên đến 300.000 yên cho một trung tâm mai mối đắt tiền. Ngoài phí đăng ký , còn có phí duy trì thành viên hàng tháng lên tới hàng chục nghìn yên, ngoài ra có một số trung tâm tư vấn còn thu cả phí kết hôn nếu đối tượng họ giới thiệu phù hợp và có thể tiến xa hơn với bạn. 

Nếu bạn trở thành thành viên của trung tâm mai mối, bạn sẽ phải cung cấp cho họ những thông tin cũng như những điều kiện mong muốn ở người bạn đời lý tưởng (trình độ học vấn, thu nhập hàng năm, tuổi tác, tính cách, v.v.), từ đó họ sẽ tìm kiếm và giới thiệu một đối tượng phù hợp nhất với những điều kiện mà bạn đưa ra. Nếu bạn gặp mặt, có một bữa hẹn hò ăn uống với người được giới thiệu và chính thức đi đến hẹn hò với nhau, thì điều đó có nghĩa mối quan hệ của hai người chính là tiền đề để đến với hôn nhân. Trong trường hợp bạn không hài lòng với người đã được giới thiệu , phía bên trung tâm hỗ trợ sẽ giới thiệu cho bạn một đối tượng khác phù hợp hơn. 

Ngày nay, ngày càng có nhiều người sử dụng các ứng dụng hẹn hò đơn giản và không mất quá nhiều chi phí, trái lại với chúng thì các trung tâm mai mối, nơi có các nhà tư vấn hôn nhân chuyên nghiệp sẽ tìm kiếm bạn đời hầu hết được sử dụng bởi những người có mong muốn đi đến hôn nhân. Ngoài ra, có một số trung tâm còn yêu cầu nộp giấy xác nhận độc thân do chính quyền địa phương cung cấp hay giấy chứng nhận tốt nghiệp đại học. Vì vậy, một số người sẽ có cảm giác an tâm hơn khi " thông tin của các thành viên thuộc trung tâm mai mối được kiểm chứng" hơn là những thông tin hời hợt có trên các ứng dụng hẹn hò. 

④ Nanpa 

「ナンパ-Nanpa」là một hành động tán tỉnh với một người phụ nữ không hề quen biết trên đường phố, nhằm ngỏ ý trao đổi thông tin liên lạc hoặc mời ăn tối, uống trà.  Tại đất nước của bạn, có nét văn hóa đặc biệt này không nhỉ ?

Bên cạnh đó,「コリドー街(Koredo gai)」ở Ginza, Tokyo, nơi các nhà hàng, quán bar xếp lớp nhau. Thường được gọi với cái tên 「ナンパの聖地(khu phố tán tỉnh)」là nơi tụ tập của những người đàn ông, phụ nữ độc thân với mong muốn tìm kiếm một nửa kia cho mình. 

Hành động khi một người phụ nữ nói chuyện với một người đàn ông lạ mặt được gọi là "Gyaku-Nan".

Trong những năm gần đây, số lượng người có cảnh giác cao khi bị người lạ tiếp cận ngày càng gia tăng, điều này dường như khá nguy hiểm nếu một ai đó đột ngột bắt chuyện với bạn trên đường hoặc gọi bạn giữa đám đông, điều này dĩ nhiên sẽ mang đến một cảm giác ngờ vực, hoài nghi về đối phương. Vì vậy, kể cả bạn có gặp một người đúng gu ở Nhật đi chăng nữa, mình cũng không khuyên bạn nên áp dụng hình thức này. 

 Hẹn hò tại Nhật Bản : Ai sẽ là người trả tiền?

Hãy nói đôi chút về những gì sẽ xảy ra nếu bạn tìm được người bạn đời lý tưởng của mình. 

Một trong những vấn đề nhức nhối gây tranh cãi nhất khi hẹn hò đó chính là "Trả tiền khi đi hẹn hò".

Theo một cuộc khảo sát về "phí hẹn hò" được tiến hành bởi công ty Leading Teach, thì chi phí hẹn hò trung bình sẽ vào khoảng 6.805 yên với đối tượng là nam giới và đối với phụ nữ sẽ ít hơn khoảng 2.612 yên. "Cánh mày râu" có xu hướng sẽ trả nhiều hơn cho những buổi hẹn hò.

Và cũng theo cuộc khảo sát trên, có khoảng 50% số người khảo sát cho rằng "đàn ông nên trả nhiều hơn cho những buổi hẹn hò". 17,8% người được hỏi cho rằng nam giới nên là người trả hết toàn bộ chi phí trên, và 30,1% những người cho rằng nên chia hóa đơn. Tuy nhiên, khi nhìn vào những phản hồi của từng giai đoạn thế hệ khác nhau, thì thế hệ trẻ ngày nay có xu hướng chia hóa đơn trong những buổi hẹn hò. 


Thực trạng hôn nhân của Nhật Bản

Sau khi tìm hiểu và hẹn hò với đối tượng ưng ý, cả hai sẽ tiến tới hôn nhân, các sự kiện quan trọng như lễ cưới hay tuần trăng mật là những thứ không thể thiếu trong giai đoạn này. Sau đây, chúng mình sẽ giới thiệu đôi nét về những đặc điểm nổi bật của các sự kiện quan trọng này ở Nhật Bản. 

Lễ cưới 

Cũng như nhiều quốc gia khác, người Nhật xem lễ cưới là một sự kiện vô cùng quan trọng. 

Tại Nhật có hai từ điển hình liên quan đến lễ cưới đó chính là: “Hadekon” (派 手 婚) và “Jimikon” (地 味 婚). Hadekon, là một từ ám chỉ về một tiệc cưới hào nhoáng, với quy mô tổ chức hoành tráng. Bạn có thể thuê nhà hàng hay đặt trước các địa điểm tổ chức tiệc tại các khách sạn, với số lượng khách mời lớn như là đồng nghiệp, bạn bè hoặc người thân đến tham dự và chiêu đãi tiệc. 

Trái lại với một đám cưới linh đình, náo nhiệt, Jimikon lại là một lễ cưới đơn giản nhưng không kém phần tinh tế, chỉ mời giới hạn một số lượng nhỏ khách mời như là các thành viên trong gia đình. 

Theo một cuộc khảo sát của Recruit(2021), số lượng khách mời tham gia lễ cưới trung bình sẽ là 42 người và chi phí lễ cưới sẽ khoảng 2,92 triệu yên. 

Và một điểm thú vị là cô dâu chú rể sẽ không phải chịu toàn bộ chi phí đám cưới gần 3 triệu yên. Tại Nhật Bản, theo như phong tục, những khách mời tham gia lễ cưới sẽ tặng cho cô dâu và chú rể một món quà, thường được gọi là "Goshugi-tiền mừng cưới" (ご 祝 儀), họ sẽ dùng số "tiền mừng cưới" này để chi trả cho những khoản chi của buổi lễ. 

Số tiền trong Goshugi sẽ khác nhau tùy thuộc vào mức độ thân thiết của khách mời với cô dâu và chú rể. Đối với bạn bè thông thường sẽ khoản 30,000 yên, đối với cấp trên của cô dâu hoặc chú rể sẽ từ 50,000 trở lên. 

Một điều đáng lưu ý đó chính là số tiền mừng cưới Goshugi phải bắt đầu bằng con số lẻ đấy nhé, chẳng hạn như 30,000 yên hoặc 50,000 yên. Vì có quan niệm cho rằng" số lẻ sẽ không thể chia được, cũng giống như cô dâu chú rể sẽ không thể nào chia xa". Nếu số tiền mừng bắt đầu bằng con số chẵn, chẳng hạn như 20,000 yên hoặc 40,000 yên, đây được xem như là một điều cấm kỵ đấy, vì nó ngụ ý rằng cô dâu và chú rể sẽ sớm chia lìa. 

 Tuần trăng mật 

Tuần trăng mật chính là một sự kiện quan trọng sau lễ cưới. Trước đại dịch Covid-19, Hawaii, Ý hay Maldives... là những địa điểm trăng mật nước ngoài lý tưởng của người Nhật, trong khi Hokkaido và Okinawa lại vô cùng phổ biến cho các chuyến trăng mật trong nước. 

Bạn thấy thế nào về thực trạng hôn nhân- Konkatsu tại Nhật Bản ? Hãy để lại ý kiến của mình trong phần bình luận cũng như đừng quên chia sẻ về thực trạng hôn nhân tại quốc gia của bạn nữa nhé! 


Những bài viết liên quan:

Tại sao người Nhật lại chi hơn 50,000 yen cho chiếc cặp "Randoseru" cho việc đi học của trẻ em? 

Bạn nghĩ sao về điều này ? Hành trình "săn tìm" công việc của các sinh viên Nhật Bản khi mới ra trường [Điều khác biệt của xã hội Nhật Bản] 

Mục lục

Survey[Trả lời khảo sát]Hãy trả lời những câu hỏi về du lịch Nhật Bản.







Giới thiệu thêm