Gyaru: Tìm hiểu văn hóa thời trang “Gal” ở Nhật Bản

  • 4/3/2022
  • 20/3/2024
  • Lily Baxter

Nhiều nhóm văn hóa nhỏ của thời trang Nhật Bản đã trở nên phổ biến trên toàn thế giới như: Harajuku Girls, phong cách Lolita hay phong cách hoa quả với những gam màu rực rỡ... Tuy vậy, phong cách Gyaru của giới trẻ Nhật Bản lại là một trong những xu hướng thời trang đường phố được ít người biết đến. Phong cách này được mô phỏng theo thời trang phương Tây và đề cao sự nữ tính. Đây có thể nói là phong cách khá độc đáo và thú vị.

Gyaru là ai?

Thường được xem là những con người có cá tính vui vẻ, lẳng lơ và mang phong cách phương Tây, Gyaru ở Tokyo là một nhóm văn hóa cổ điển được biết đến với mái tóc nâu vàng. Đối tượng mang phong cách Gyaru đa phần là nữ giới, song cũng có nam giới theo đuổi phong cách độc đáo này. 

Trào lưu Gyaru bắt đầu vào cuối những năm 70 nhưng đạt đỉnh cao vào những năm 90 và đầu năm 2000. Phong cách đã phát triển và thay đổi theo thời gian, nhưng những yếu tố chính của Gyaru vẫn được giữ nguyên. Giống như tất cả các nền văn hóa nhóm tại Nhật Bản, có một loạt các nhóm nhỏ được phân chia theo phong cách và giới tính, với hình thức tiêu chuẩn được gọi là Gyaru-kei.

Tên gọi Gyaru bắt nguồn từ đâu?

Cái tên “gyaru” là phiên âm của từ tiếng Anh thông dụng “gal”, có nghĩa là cô gái. Có nhiều giả thuyết về nguồn gốc của cái tên này nhưng hai khả năng cao là từ hai thương hiệu thời trang Levis và Wrangler ở Mỹ. Cả hai thương hiệu này đều sử dụng từ “Gals” trong các quảng cáo về dòng sản phẩm dành cho phụ nữ vào cuối những năm 60 và đầu những năm 70. Đây cũng là giai đoạn tính độc lập của phụ nữ cũng như thời trang phương Tây bùng nổ mạnh mẽ.

Vẻ ngoài theo phong cách Gyaru

Gyaru fashion gal

Gyaru là một phong cách thời trang được truyền cảm hứng bởi huyền thoại Pamela Anderson trong bộ phim Baywatch. Đây là phong cách mang đậm xu hướng thời trang phương Tây thời bấy giờ.

Theo phong cách này, những mái tóc sẽ được tẩy thành vàng hoe rồi được uốn hoặc làm xoăn. Để tăng thêm hiệu ứng, tóc còn có thể được nhuộm màu hay nối cho dài thêm. "Sujimori" là một kiểu dùng gel để tạo điểm nhấn cho từng lọn tóc nhỏ, giúp mái tóc trông dày và cao hơn. Điểm nhấn quan trọng nhất cho phong cách này chính là nước da rám nắng để làm nổi bật cả mái tóc và lớp trang điểm. Lớp trang điểm bao gồm phấn mắt, đường kẻ mắt eyeliner đen nhám cùng mi giả hoặc nối mi và thêm phần tạo khối gương mặt cho những người muốn có vẻ ngoài giống như người phương Tây. Muốn đi xa hơn, nhiều Gyaru thực thụ sẽ đeo kính áp tròng có màu hoặc kính giãn tròng để đồng tử của mắt trông nổi bật hơn trên đôi mắt sẫm màu.

 Gyaru fashion gal

Khi nói đến quần áo thì sự lựa chọn còn phụ thuộc rất nhiều vào kiểu dáng cùng với mắt thẩm mỹ của mỗi người. Sự kết hợp giữa các thương hiệu phương Tây và Nhật Bản là điều rất phổ biến. Các thương hiệu cao cấp thường được lựa chọn và kết hợp với nhiều sản phẩm đa dạng. Trung tâm của văn hóa Gyaru là Shibuya 109 - khu mua sắm thời trang chuyên dành cho giới trẻ. Các thương hiệu Gal phổ biến bao gồm Moussy, SLY, ANAP, Shake Shake và Love Boat. Các mặt hàng của những thương hiệu này thường được bán tại các cửa hàng bán lẻ hoặc trực tuyến.

Các nhóm khác nhau của phong cách Gyaru

Có rất nhiều nhóm nhỏ trong thế giới Gyaru, được mô phỏng theo từng cá thể, các nền văn hóa hoặc những người nổi tiếng nói chung. Một số nhóm phổ biến hoặc khác thường bao gồm:

  • Amekaji: là phong cách tập trung vào cách ăn mặc giản dị của người Mỹ, với màu sắc tươi sáng và những món đồ chủ đạo như áo khoác bomber, giày tennis và áo thun.
  • Gyaru-serebu: là phong cách tập trung vào người nổi tiếng, với mục tiêu trở thành một người nổi tiếng thực thụ thông qua sự thành công về ngoại hình. Phong cách này đòi hỏi việc áp dụng thương hiệu thời trang sang trọng và các sự kiện cao cấp nên chỉ một số ít tín đồ mới có thể thành công.
  • Gyaru-o: là những Gyaru nam, thường để kiểu tóc đã tạo kiểu và làn da rám nắng, cùng với phong cách thời trang được lựa chọn cẩn thận tùy thuộc vào gu của họ.
  • Kogyaru: thường mặc đồng phục học sinh và hình ảnh này còn được thêm vào các cảnh phim. Những bộ đồng phục được lấy cảm hứng và mô phỏng theo các Gyaru trung học của những năm 80.
  • Gyaru-mama: là một ví dụ khác về các thế hệ tiếp tục phong cách Gyaru. Những người đã có con vẫn sẽ mặc quần áo theo phong cách tương tự để tôn lên vẻ ngoài của họ.
  • Hime-gyaru: là một phong cách Gyaru ít phổ biến nhưng tuyệt đẹp, lấy phong cách Rococo và kết hợp với các yếu tố của Gyaru. Điều này dẫn đến kiểu trang điểm cầu kỳ, cường điệu và dùng kiểu tóc xoăn bồng bềnh để hoàn thiện nên vẻ ngoài như công chúa.
  • Shiro-gyaru: theo hầu hết các quy tắc của phong cách Gyaru ngoại trừ làn da rám nắng. Điều này khiến vẻ ngoài của họ bớt khác thường hơn một chút.

Điều quan trọng cần lưu ý là cũng có một số phong cách Gyaru không phù hợp về mặt văn hóa. Một số trong đó chỉ tập trung vào làn da đen sạm và tính thẩm mỹ được lấy từ các nền văn hóa như Rastafari và Chicano, nên giờ đây chúng đã trở nên ít được xã hội đón nhận hơn.

Thần tượng trong nền văn hóa Gyaru

Với việc tập trung vào phong cách thời trang và lấy cảm hứng từ phong cách của người nổi tiếng, không có gì lạ khi có rất nhiều thần tượng Gyaru, người mẫu Gyaru và người nổi tiếng Gyaru, đặc biệt là ở thời điểm cuối những năm 90.

 Amuro Namie là một trong những thần tượng Gyaru nổi tiếng nhất. Cô chịu trách nhiệm truyền cảm hứng cho phong cách Amuro Gyaru, hay còn được gọi là Amuraa Gyaru. Cô vừa là người mẫu, ca sĩ, diễn viên, vừa là thần tượng có sức ảnh hưởng kéo dài từ năm 1992 đến năm 2018. Phong cách đường phố của cô thường bao gồm giày bốt, váy ngắn và để tóc sẫm màu hơn một Gyaru bình thường. Cô là một người nổi tiếng trong làng giải trí Nhật Bản nói chung nên sự nổi tiếng của cô đã kéo theo sự nổi tiếng cho Gyaru, giúp nền văn hóa này đạt đến đỉnh cao vào những năm 90 và 2000.

Hamasaki Ayumi là một ca sĩ và thần tượng nổi tiếng khác. Cô là người đã giúp thúc đẩy văn hóa Gyaru bằng hành trình thể hiện phong cách Gyaru trong suốt sự nghiệp lâu dài của mình, bán được hơn 50 triệu đĩa ở Nhật Bản. Bên cạnh đó, Masuwaka Tsubasa, Funayama Kumiko (được biết đến với cái tên Kumicky) và Koda Kumi cũng là những nhân vật rất quan trọng trong việc củng cố phong cách và cung cấp nguồn cảm hứng cho các trào lưu, xu hướng đi đầu.

Gyaru ngày nay

shibuya tokyo

Mặc dù kể từ cuối những năm 2000, phong cách Gyaru đã suy giảm đáng kể, nhưng ngày nay bạn vẫn còn có thể gặp rất nhiều Gyaru tại Tokyo. Shibuya 109 là trung tâm của phong cách này, các cô gái thường tụ họp tại đây để mua sắm. Có nhiều lý do suy đoán cho nguyên nhân suy giảm của văn hóa Gyaru, nhưng lý do hàng đầu được kể đến là sự bão hòa thời trang bởi các chuỗi cửa hàng thời trang phương Tây. Theo thời gian, một số Gyaru đã làm dịu phong cách của họ, và một số lại tiếp tục thể hiện vẻ ngoài "nổi trội" hơn. Shibuya sẽ là điểm đến lý tưởng nhất để bạn tìm gặp Gyaru ở Tokyo.

Mục lục

Survey[Trả lời khảo sát]Hãy trả lời những câu hỏi về du lịch Nhật Bản.







Giới thiệu thêm