Hướng dẫn sử dụng đồ điện Nhật Bản an toàn! Tổng hợp chức năng nút bấm nồi cơm điện, bếp ga, máy giặt, remote điều hòa, ti vi...


Đồ điện tử Nhật Bản hẳn là một thành phần không thể thiếu trong cuộc sống đời thường của mọi nhà. Thiết kế tinh tế, mẫu mã gọn đẹp cùng chức năng hiện đại đi đầu của MADE IN JAPAN luôn tạo được niềm tin và sự ưa chuộng của người tiêu dùng Việt Nam nói riêng và trên toàn thế giới nói chung. Bạn đã tìm hiểu và giải mã được hết ngọn ngành cách sử dụng đồ điện Nhật Bản một cách trọn vẹn? Hay vẫn còn lấn cấn vì những sản phẩm toàn tiếng Nhật? 

FUN! JAPAN đã tổng hợp lại tất cả cách dùng đồ điện phổ biến của mọi nhà trong bài viết này. Hãy lưu lại như một cẩm nang để phòng khi cần dùng đến nhé. 

1. Cách sử dụng nồi cơm điện Nhật Bản

Cơm là thành phần không thể thiếu trong bữa ăn hằng ngày của người dân ở nhiều quốc gia, và Nhật Bản cũng không phải là một ngoại lệ. Nhưng điều làm cho cơm Nhật nổi tiếng là ngon nhất không chỉ là chất lượng vượt trội và hương vị độc đáo của gạo Nhật, mà còn là cách thức nấu cơm tiên tiến trong mỗi gia đình Nhật Bản. 

Chức năng cơ bản: Nấu cơm “炊飯 (Suihan)”

  • 炊飯/再加熱 (suihan/ saikanetsu): Nút khởi động (Start) hay còn gọi là nút nấu cơm (Cook). Bên cạnh đó nút này còn có cả chức năng hâm nóng lại cơm.
  • 予約 (yoyaku): hẹn giờ, bạn chỉ cần sử dụng nó khi bạn muốn đặt giờ cho cơm chín.
  • Left & right direction: hai nút chỉ được sử dụng khi điều chỉnh hẹn giờ.
  • メニュー (Menu): bằng cách nhấn nút này, bạn có thể chọn giữa các cách thức nấu khác nhau được hiển thị ở màn hình bên cạnh. Để chọn một cách nấu, chỉ cần nhấn nút này và bạn sẽ thấy một mũi tên nhỏ trỏ vào mỗi tùy chọn.

Chức năng nấu cơm trắng “白米 (Hakumai)”

  • エコ炊飯 (Eco-suihan): Tiết kiệm điện, nấu cơm ở chế độ này sẽ tốn ít điện hơn, nhưng bù lại, gạo sẽ hơi cứng hơn bình thường.
  • 白米(Hakumai): Gạo trắng, đây là chế độ phổ biến và được sử dụng nhiều nhất
  • 炊き込み(Takikomi): Sử dụng chế độ này khi bạn muốn làm takikomi-gohan, một món ăn Nhật Bản kết hợp cơm cùng với các nguyên liệu khác.
  • 無洗米(Musenmai): Chế độ này cho phép bạn nấu mà không cần vo rửa gạo, được coi là chế độ thân thiện với môi trường vì tiết kiệm nước vo gạo. Nhưng bạn sẽ cần phải sử dụng "gạo không cần rửa" thay vì gạo trắng thông thường. Cốc đo của gạo không cần rửa cũng hơi khác so với cốc đo gạo thường.
  • 白米急速: Chế độ nấu gạo trắng nhanh. Nếu bạn đang vội, hãy sử dụng chức năng này, tuy nhiên, gạo của bạn sẽ cứng hơn một chút so với bình thường.

Các chức năng nấu cháo, Genmai, Zakkokumai và cả Kinmemai

  • おかゆ( Okayu): Chức năng nấu cháo thường/ Cháo yến mạch, bạn cũng có thể thêm một số nguyên liệu khác, giống như takikomi-gohan.
  • 玄米( Genmai): Gạo lứt. Bạn có thể quen thuộc với từ này nếu là người hay uống trà. Đây là chức năng dành riêng cho genmai.
  • 雑穀米(Zakkokumai): Gạo đa hạt. Zakkokumai là sự pha trộn của các loại ngũ cốc khác nhau bao gồm gạo trắng, genmai v.v.
  • 金芽米(Kinmemai): Kinmemai thì độc đáo hơn, nằm giữa genmai & musenmai. Nó được xay xát hoàn toàn nhưng lõi hạt ngũ cốc vẫn còn nguyên vẹn, mang lại lợi ích dinh dưỡng và hương vị tuyệt vời.
  • 保温/とりけし (Ho-on/ Torikeshi): Đây là nút giữ ấm hoặc ngắt điện. Sau khi nấu xong, đèn sẽ sáng cho biết nồi cơm điện đang ở chế độ hâm nóng và giữ cho cơm của bạn luôn luôn nóng. Bạn có thể hủy và tắt nồi cơm điện bằng cách nhấn nút này.

Xem thêm chi tiết:

Hướng dẫn sử dụng nồi cơm điện Nhật Bản

2. Cách sử dụng bếp ga Nhật Bản

Đầu tiên để lửa ở mức to vì cần nhiều hơi ga mới lên lửa được. Ấn giữ nút bật cho đến khi lửa lên. Bạn sẽ nghe thấy tiếng "tách" một cái. Khi lửa đã lên thì điều chỉnh về mức lửa bạn cần. Nếu bạn để chảo không trên bếp thì bộ cảm ứng nhiệt nhiều lúc sẽ tự động giảm lửa về mức nhỏ nhất, nên có thể bạn sẽ thấy thắc mắc sao nút chỉnh đang ở mức to mà lửa ra lại bé. Không cần lo lắng, bếp không phải bị hỏng gì đâu, chỉ là bộ cảm ứng nhiệt đang làm việc để đảm bảo chảo của bạn không bị quá nóng.

Điều chỉnh mức lửa:

Mức lửa của bếp thể hiện qua hai chữ, ‘弱’ (lửa nhỏ) và ‘強’ (lửa to). Bạn cần dùng pin để sạc đèn tín hiệu. Chú ý hai dòng chữ ‘おしらせサイン’ (tín hiệu cảnh báo) và ‘乾電池単1形2個’ (2 pin đại size D).

Chức năng nướng cá:

Một đặc điểm nổi bật chỉ bếp Nhật mới có chính là khay nước cá. Bạn sẽ thấy có nút bấm ghi chữ グリル (có nghĩa là "nướng") kèm theo biểu tượng hình con cá. Để sử dụng chế độ nướng cá thì bạn chỉ cần đơn giản ấn nút như lúc bật bếp ga thôi là xong. Nhớ dùng giấy nhôm bọc cá lại để dọn dẹp cho tiện. 

Các chức năng khác:

Một trong các nút bấm trên bếp có biểu tượng ba ngọn lửa với hàng chữ 3秒押し高温炒め (nghĩa là "ấn giữ 3 giây để xào lửa to"). Hãy sử dụng nút bấm này khi bạn cần lửa to liên tục mà không muốn bộ cảm ứng nhiệt tự động gia giảm, phù hợp cho các món xào hoặc tempura.

Xem thêm chi tiết:

 Hướng dẫn cách sử dụng bếp ga Nhật Bản

3. Cách sử dụng máy giặt và máy sấy Nhật Bản

Trên thực tế, một số máy giặt tại nhà có thể hoạt động khách nhau. Ở đây, chúng mình sẽ hướng dẫn bạn các chức năng hoạt động phổ biến của máy giặt tại nhà. Khoan cảm thấy hoang mang vì có quá nhiều nút bấm nhé :)

Bấm nút “入 (Nhập)” và “スタート(Bắt đầu)”

Đối với máy giặt thông thường, trước tiên bạn cần cho quần áo vào lồng giặt. Tiếp theo ấn nút "入 (Nhập)" để bật máy. Phía bên trái của nút "入" có 3 nút hình chữ nhật gồm:

  • 洗濯 (sentaku): giặt
  • 洗濯 · 乾燥 (sentaku, kansou): giặt & sấy
  • 乾燥 (kansou): sấy

Bạn có thể chọn chế độ giặt tùy thích từ một trong 3 nút này, và bỏ qua những cài đặt chi tiết ở bên trái bằng cách để chế độ giao phó cho máy “おまかせ (omakase)”. Bật chế độ này, máy sẽ hoạt động ở chế độ giặt tự động. Máy sẽ xác định khối lượng quần áo trong lồng và cho bạn biết lượng bột giặt cần thêm vào. Như con số hiển thị ở hình bên trên thì bạn cần thêm vào 1.2 muỗng bột giặt. Tiếp theo, chỉ cần ấn nút “スタート(bắt đầu)” màu vàng ở góc dưới bên phải là xong. Máy sẽ bắt đầu giặt và bạn có thể yên tâm tiếp tục làm những việc khác.

Tuỳ chỉnh chế độ giặt theo yêu cầu cá nhân

Nếu muốn thực hiện cài đặt chi tiết thì bạn có thể ấn nút "コース (course)", máy sẽ cho phép bạn lựa chọn chế độ giặt. Sau đây là một số chế độ giặt được cài đặt trong các loại máy phổ biến.

  • わたし流 (watashi-ryu): Có nghĩa là "phong cách riêng". Chế độ cài đặt bằng tay. Nếu chọn chế độ này, bạn có thể cài đặt số phút cho từng bước ở phía bên trái: giặt “洗い (arai)”, xả “すすぎ (susugi)”, vắt “脱水 (dassui)” và sấy “乾燥 (kansou)”.
  • お急ぎ (oisogi): Nếu bạn đang vội hoặc muốn máy giặt nhanh hơn thì có thể sử dụng chế độ này.
  • 約60℃除菌 (yaku 60℃ jokin): khử trùng ở 60℃.
  • 約40℃消臭 (yaku 40℃ shoshu): khử mùi ở 40℃.
  • ナイト: Chế độ ban đêm, giúp máy giặt hoạt động yên tĩnh hơn.
  • 柔わらかプラス (yawaraka plus): Chế độ này giúp quần áo sau khi giặt xong được mềm mại hơn.
  • おうちクリーニング (uchi- cleaning): Chế độ giặt đặc biệt giúp máy giặt nhẹ nhàng mà không làm hỏng quần áo.
  • 毛布 (mohu): Chế độ giặt chăn, thảm.
  • 槽洗浄/ 乾燥 (sousenjo / kanso): Đây là chế độ giúp vệ sinh lồng giặt.

Xem thêm chi tiết:

→ Hướng dẫn sử dụng máy giặt và máy sấy Nhật Bản

4. Cách sử dụng remote máy điều hòa Nhật Bản

Các nút bấm dành cho chức năng cơ bản 

  • 冷房 (Reibo): Máy lạnh
  • 除湿切換 (Joshitsu-kirikae): Chuyển sang hút ẩm
  • 暖房 (Danbo): Máy sưởi ấm
  • 快適おまかせ (Kaiteki-omakase): おまかせ(Omakase) trong tiếng Nhật có nghĩa là giao phó, tùy chọn. Vì vậy nếu bạn bấm vào nút này, máy điều hòa sẽ ở chế độ tự động. Nhiệt độ sẽ được điều chỉnh cho phù hợp với gian phòng, tạo cảm giác thoải mái cho người dùng. Nếu bạn cảm thấy điều chỉnh nhiều bước phức tạp thì có thể chỉnh nút này và nghỉ ngơi!
  • 温度 (Ondo): Nhiệt độ
  • 停止 (Teishi): Dừng, tắt
  • おやすみ (Oyasumi): Đây là chức năng hẹn giờ tùy chọn. Nếu bạn nhấn nút này 1 lần, máy sẽ tự động tắt nguồn sau 30 phút. Nếu bạn muốn chỉnh máy hoạt động 3 tiếng và tự động tắt thì cần bấm nút này 6 lần.

Các nút bấm để điều chỉnh chi tiết 

  • 風量 (Fuuryo): Bạn có thể điều chỉnh lượng gió thổi ra bằng nút này. Khi lượng gió ở chế độ 自動 (Jido) = tự động thì sẽ được điều chỉnh phù hợp với nhiệt độ.
  • パワフル (Powerful): Nút này giúp lượng gió thổi ra mạnh ngay tức thì, nên nếu bạn muốn làm căn phòng ấm hoặc lạnh ngay thì có thể áp dụng.
  • 風向上下 (Fuukou-joge): Điều chỉnh hướng gió thẳng lên xuống.
  • 風向左右 (Fuukou-sayu): Điều chỉnh hướng gió ngang theo chiều trái phải.
  • いるところサーチ (Irutokoro Search): Đây là chức năng thú vị nhất của máy điều hòa. Chức năng sẽ định vị vị trí của từng cá nhân trong phòng và điều chỉnh luồng gió đến chỗ người đó! Điều này góp phần giảm năng lượng thừa thải. Thay vì lan tỏa không khí khắp phòng, máy có thể kiểm soát luồng không khí và giúp người dùng thoải mái mà không cần tốn nhiều năng lượng.

Xem thêm chi tiết:

 Hướng dẫn sử dụng remote máy điều hòa & ti vi

5. Cách sử dụng remote ti vi Nhật Bản

Chức năng cơ bản:

  • 電源(Dengen): Nguồn tắt/mở
  • 画面表示(Gamen-hyoji): Nút hiển thị màn hình. Bạn có thể xem tiêu đề, số kênh, thời gian... được hiển thị trên màn hình.
  • 入力切換(Nyuryoku-kirikae): Nút chuyển đổi thiết bị (HDMI, AVI...)
  • ワイド切換(Wide-Kirikae): Điều chỉnh kích cỡ màn hình.
  • 字幕(Jimaku): Nút bật/tắt phụ đề. Nhiều chương trình truyền hình cung cấp phụ đề chi tiết, nên việc để chế độ này có thể là một cách tốt để học tiếng Nhật!
  • 音声切換(Onseikirikae): Nút chuyển đổi âm thanh. Khi phim nước ngoài được phát sóng tại Nhật, chúng ta có thể lựa chọn nghe tiếng Nhật được lồng tiếng hoặc tiếng gốc bằng nút này.
  • チャンネル (Channel): Kênh truyền hình. Bạn có thể chuyển kênh và xem.
  • 音量 (Onryo): Âm lượng
  • 決定(Kettei): Nút OK, đã quyết định.

Chức năng nâng cao:

  • 青、赤、緑、黄 (xanh dương, đỏ, xanh lá, vàng): Các nút này dùng để tham gia các sự kiện trên ti vi. Chẳng hạn như bạn có thể trả lời câu hỏi đố vui hoặc bỏ phiếu theo yêu cầu bằng các nút.
  • 番組表 (Bangumi-hyo): Lịch trình chương trình ti vi
  • 連動データ (Rendo-Data): Đây giống như một trang chủ nhỏ của kênh truyền hình. Bạn có thể xem các thông tin được cung cấp như thời tiết, tin tức, tình hình giao thông... do đài cung cấp.
  • ツール (Tool): Chọn lựa nhanh các chức năng thường xuyên sử dụng.
  • 戻る (Modoru): Quay trở lại
  • メモ (Memo): Bạn có thể chụp ảnh màn hình ngay lập tức các thông tin cần lưu trữ, ghi nhớ.
  • メニュー: Menu
  • アナログ、デジタル、BS、CS (Analog, Digital, BS. CS): Đây là các công tắc tín hiệu. Thông thường thì bạn có thể xem các kênh truyền hình từ mục デジタル (Digital). Có tổng cộng 12 kênh phổ thông.
  • 消音(Shouon): Tắt âm thanh 

Xem thêm chi tiết:

→ Hướng dẫn sử dụng remote máy điều hòa & ti vi

6. Cách sử dụng quạt thông gió trong nhà tắm Nhật Bản

Quạt thông gió thường có 4 chức năng chính - Thông gió (標準換気、ブロー換気), Sưởi ấm (暖房), Làm mát (涼風), Sấy khô (乾燥) (từ phải sang trái). Có lẽ bạn sẽ thấy rằng có quá nhiều chức năng cho một cái quạt thông gió, song bạn nên nhớ Nhật Bản là một trong những đất nước sử dụng nhà tắm nhiều nhất trên thế giới, và đây là hoạt động hàng ngày đối với họ. Điều này mang ý nghĩa người Nhật không chỉ xem trọng việc ngâm hồ, tắm rửa vào những ngày đông lạnh mà còn cả vào những ngày hè oi bức. Khi cảm thấy nhiệt độ phòng tắm quá cao hoặc quá thấp, chúng ta có thể bật chế độ sưởi ấm hoặc làm mát để nhiệt độ trong lúc tắm thích hợp và thoải mái hơn.

Trở lại đề tài ban đầu, quạt thông gió có 2 chế độ để thông gió: chế độ thường (標準換気), chế độ quạt mạnh (ブロー換気). Bạn có thể bấm nút để điều chỉnh chế độ. Về mục đích sử dụng, chế độ thường dùng để hút hơi ẩm sau khi ngâm hồ hoặc tắm, và chế độ quạt mạnh dùng để làm khô toàn bộ phòng tắm.

Và cuối cùng là chức năng sấy khô. Đối với nhiều người ngoại quốc thì chức năng này khá thú vị và tiện lợi bởi có thể giúp bạn sấy khô quần áo ngay trong nhà tắm. Một trong những lý do sử dụng chức năng là vì mùa mưa ở Nhật Bản khá dài và thường rơi dầm dề, khiến người dân tại đây phải phơi quần áo trong nhà thường xuyên. Tuy nhiên, đây không phải là giải pháp hay bởi để lại mùi hương khó chịu lâu giờ trên quần áo vừa mới giặt. Lý do khác người Nhật sấy đồ trong phòng tắm là vì không gian nhà ở tại Nhật Bản khá hẹp, và chức năng này giúp họ tiết kiệm không gian một cách hiệu quả.

Những tính năng khác

Sau khi đã nói qua chức năng chính rồi, tiếp theo chúng ta cùng đề cập đến những nút bấm khác nào. Theo thứ tự từ phải sang trái là nút Dừng (停止), Thông gió 24 giờ (24時間), Hẹn giờ (タイマー切替), Chỉnh đổi giờ ( 時計/セット), Cài đặt lại bộ lọc (フィルターリセット). Dưới đây chúng mình cũng sẽ giải thích những nút đèn sáng trên bảng hiển thị.

Nút dừng rất dễ hiểu, đúng nghĩa cho ngưng các hoạt động. Thông gió 24 giờ dùng để thông gió suốt 24 giờ trong ngày. Hầu hết các phòng tắm mới đều không có cửa sổ, tạo nên môi trường đáng sợ gây mùi hôi ẩm khó chịu và những vấn đề nan giải về mặt vệ sinh.

Nút hẹn giờ giúp bạn đặt hẹn giờ cho mỗi chức năng. Ví dụ như nếu bạn muốn sưởi ấm phòng tắm trước khi vào mỗi ngày, bạn có thể đặt hẹn giờ và cho hoạt động hàng ngày theo đúng thời gian đã định.

Nút chỉnh đổi giờ không được nhiều người sử dụng, nhưng tùy theo trường hợp bạn có thể chỉnh đổi giờ hiển thị, chỉ cần bấm nút và chỉnh giờ, phút theo dấu mũi tên hình tam giác.

Cũng như nút chỉnh đổi giờ, bạn không cần thiết chạm đến nút cài đặt lại bộ lọc trừ khi nào bạn muốn làm sạch bộ lọc. Khi nào thì cần làm sạch? Bạn có thể nhận biết qua đèn sáng hiển thị.

Xem thêm chi tiết:

 → Hướng dẫn sử dụng máy nước nóng trong bồn tắm Nhật Bản

7. Cách sử dụng máy nước nóng trong bồn tắm Nhật Bản

Hầu hết các gia đình và cơ sở nghỉ dưỡng như khách sạn, phòng trọ tại Nhật đều có bồn tắm ngâm mình (hay còn được gọi là ofuro). Hẳn là nhiều gia đình ở Việt Nam hiện cũng sử dụng bồn tắm như thế này. Vậy thì chúng ta nên tìm hiểu qua những chức năng được hiển thị bằng tiếng Nhật trên bộ điều khiển.

Các chức năng của bộ điều khiển nằm ngoài phòng tắm

Nhiều sản phẩm sẽ có 2 bộ điều khiển, một nằm bên ngoài và một nằm bên trong phòng tắm. Đầu tiên chúng ta cùng xem qua bảng điều khiển nằm bên ngoài như hình ảnh ở trên nhé. Các chức năng của bảng điều khiển bao gồm:

  1. 運転 (Unten/Vận hành): Nút On/Off. Bạn có thể bật chỉnh chế độ nước nóng bằng nút này.
  2. 自動 (Jido/Tự động): Chế độ tự động sẽ giúp bạn giữ nhiệt độ nước tắm ở mức độ đã cài trước.
  3. おいだき (Oidaki/Làm nóng): Vì người Nhật ngâm bồn mỗi ngày và tiêu thụ hết 20-30 lít nước. Chức năng này sẽ giúp người dùng hâm nóng lại lượng nước đã dùng hôm trước và tái sử dụng để tiết kiệm nước.
  4. 給湯 (Kyuto/Cấp nước): Bạn có thể điều chỉnh nhiệt độ nước trong bồn tắm bằng nút mũi tên ở trên và dưới dòng chữ
  5. ふろ予約 (Furo-yoyaku/Đặt hẹn giờ tắm): Chức năng nằm bên trái phía trên giúp người dùng chỉnh thời gian tắm, qua đó nước sẽ tự động được làm đầy ở nhiệt độ đặt sẵn. Chẳng hạn như người Nhật thường chỉnh vào khoảng 8 giờ tối hàng ngày, để có thể vào sau bữa ăn mà không cần phải mất công chỉnh nước và đợi nước lấp đầy hồ.

Các chức năng của bộ điều khiển nằm trong phòng tắm

Tiếp theo, chúng ta cùng xem qua chức năng của bộ điều khiển nằm trong phòng tắm có gì khác nhé. Ở bên phải cũng có 3 nút Vận hành (On/Off), nút Tự động và Làm nóng. Bên cạnh đó còn có các chức năng như sau:

  1. 運転 (Unten/Vận hành): Nút On/Off. Bạn có thể bật chỉnh chế độ nước nóng bằng nút này.
  2. 自動 (Jido/Tự động): Chế độ tự động sẽ giúp bạn giữ nhiệt độ nước tắm ở mức độ đã cài trước.
  3. おいだき (Oidaki/Làm nóng): Vì người Nhật ngâm bồn mỗi ngày và tiêu thụ hết 20-30 lít nước. Chức năng này sẽ giúp người dùng hâm nóng lại lượng nước đã dùng hôm trước và tái sử dụng để tiết kiệm nước.
  4. たし湯 (Tashiyu/Thêm nước nóng): Bạn có thể sử dụng chức năng này để cung cấp thêm nước tắm khi cảm thấy lượng nước ít.
  5. たし水 (Tashisui/Thêm nước lạnh): Bạn có thể sử dụng chức năng này để điều chỉnh nhiệt độ nước khi quá nóng.
  6. ふろ (Furo/Bồn tắm): Bạn có thể điều chỉnh nhiệt độ nước trong bồn tắm bằng nút mũi tên ở trên và dưới dòng chữ.
  7. 給湯 (Kyuto/Cấp nước): Bạn có thể điều chỉnh nhiệt độ nước vòi sen bằng nút mũi tên ở trên và dưới dòng chữ.
  8. 呼び出し(Yobidashi/Gọi): Đây là nút bấm liên kết với phòng khách dùng cho trường hợp khẩn cấp. Chức năng giúp người dùng có thể liên lạc với bên ngoài phòng khi có sự cố hoặc cảm thấy không khỏe đột ngột trong khi tắm.
  9. 優先 (Yusen/Ưu tiên): Chức năng giúp bạn sử dụng nước nóng từ những nơi khác như nhà bếp. Khi chức năng ở chế độ ON, bạn có thể cài đặt ưu tiên nước phòng tắm để nhiệt độ cấp nước phía phòng bếp không bị thay đổi. Chức năng nhằm giúp nước tắm không bị lạnh hoặc nóng đột xuất (vì liên kết với nước nhà bếp)

Xem thêm chi tiết:

→ Hướng dẫn sử dụng quạt thông gió trong nhà tắm Nhật Bản

8. Cách sử dụng toilet (nhà vệ sinh) Nhật Bản

Khi đến Nhật Bản, hẳn bạn sẽ bắt gặp nhiều thứ khác biệt hẳn so với Việt Nam. Và một trong số đó gây ấn tượng cho du khách chính là hệ thống nhà vệ sinh sạch sẽ, hiện đại ngay từ sân bay. Song đa số các nhà vệ sinh công cộng tại Nhật đều được trang bị với nhiều chức năng đa dạng, thế nên hẳn sẽ khiến nhiều bạn bỡ ngỡ không biết dùng thế nào cho đúng cách. Sau đây là tên gọi và chức năng của một vài nút bấm thường xuất hiện tại các nhà vệ sinh Nhật Bản:


  1. 流す (Nagasu): Xả nước. Bạn có thể xả nước bồn cầu bằng nút bấm này.
  2. 止 (Tomeru): Dừng. Sau khi dùng các nút bấm để rửa phía sau, phía dưới cho sạch thì có thể bấm nút này để tắt nước.
  3. おしり (Oshiri): Rửa phía sau. Chỉ cần bấm nút này thì vòi xịt rửa từ trong bồn cầu sẽ được kích hoạt và vệ sinh cho người dùng.
  4. ビデ (Bidet): Rửa phía dưới, thường thì dành cho nữ giới. Chỉ cần bấm nút này thì vòi xịt rửa từ trong bồn cầu sẽ được kích hoạt và vệ sinh cho người dùng.
  5. 音 (Oto): Âm thanh. Nút bấm giúp tạo âm thanh và át đi những “tiếng” phát ra trong phòng vệ sinh, giúp người dùng có thể sử dụng nhà vệ sinh một cách thanh lịch :)
  6. 水勢 (Suisei): Cường độ nước. Nút bấm giúp người dùng điều chỉnh độ mạnh của nước khi rửa và vệ sinh tùy theo ý thích.
  7. 音量 (Onryo): Âm lượng. Nút bấm giúp người dùng điều chỉnh độ lớn nhỏ của âm thanh khi được phát ra. 

Xem thêm chi tiết:

→ Hướng dẫn sử dụng toilet (nhà vệ sinh) Nhật Bản

 Bạn thấy thế nào? Chúng mình hy vọng qua bài viết này, bạn có thể biết rõ hơn về các chức năng và cách dùng đồ điện máy Nhật Bản. Ngoài ra nếu có loại đồ điện hay chức năng nào không biết cách dùng, hãy bình luận tại bài viết để FUN! JAPAN hướng dẫn nhé ^^

Xem thêm chi tiết về cách dùng các loại đồ điện tại đây:

Mục lục

Survey[Trả lời khảo sát]Hãy trả lời những câu hỏi về du lịch Nhật Bản.







Giới thiệu thêm