Bóng chày: Môn thể thao quốc dân rất được ưa chuộng ở Nhật Bản

Japanese Baseball: Japan’s Adopted Home Sport

Bóng chày, hay còn được biết đến với tên gọi “yakyu (野球)” trong tiếng Nhật là môn thể thao thu hút rất đông ngườI hâm mộ kể từ thời Minh Trị và vẫn luôn là môn thể thao quốc dân tại Nhật Bản cho tới tận bây giờ. Hiện nay, với một số cầu thủ giỏi nhất thế giới, Nhật Bản là một "tay chơi" thứ thiệt trong giới bóng chày. Do sự ảnh hưởng của bối cảnh trong nước nên bóng chày Nhật Bản có một phong cách riêng, hơi khác so với bản gốc là bóng chày Mỹ. Văn hóa bóng chày Nhật Bản đã thực sự nở rộ, từ đội kèn đồng cổ vũ trong sân vận động, hay các giải đấu cấp trung học được trình chiếu trên cả nước và thậm chí là cả ngôi đền chuyên về bóng chày.

Những điều cơ bản về bộ môn bóng chày

Baseball: The Basics

Bóng chày là môn thể thao đồng đội với 9 người chơi sẽ lần lượt đánh bóng rồi chạy (tấn công), ném bóng và bảo vệ sân (phòng thủ). Khi một cầu thủ ném bóng thì cầu thủ trong vị trí đánh bóng sẽ nhắm để đánh cho bóng bay ra ngoài tầm với của các cầu thủ phòng vệ bên phía đối phương, rồi chạy qua từng chốt trên sân theo hình kim cương. Những cầu thủ trong vị trí phòng vệ trên sân sẽ tìm cách chụp bóng, loại bỏ các đối thủ khác hoặc chụp bóng rồi chuyển cho đồng đội ở các chốt khác nhau trong khi người đánh bóng bên phía đối phương cũng đang chạy giữa họ. Mỗi trận đấu sẽ theo các hiệp đấu (tương tự như cricket) và kéo dài khoảng 3 tiếng đồng hồ. Tuy nhiên, thời gian kết thúc mỗi trận thì không cố định (không giống như trong bóng đá).

Lịch sử về bóng chày Nhật Bản

Baseball In Japan: A History

Bóng chày ở Nhật Bản có thể nói là bắt nguồn từ ông Horace Wilson, một giáo sư người Mỹ chuyên về ngôn ngữ Anh. Ông đã giới thiệu bóng chày như một môn thể thao học đường cho Học viện Kaisei của Tokyo vào năm 1872. Năm 1878, đội bóng chày người lớn đầu tiên được thành lập với tên gọi "Shinbashi Athletic Club". Tiếp đó, vào năm 1896, một đội bóng chày của trường học Nhật Bản đã đánh bại một đội bóng chày nước ngoài tại Yokohama. Chiến thắng này đã được ca ngợi khắp các mặt báo, và chính điều này đã khởi nguồn cho chuỗi thành công sau đó của bộ môn thể thao tại các trường học ở Nhật Bản.

Bóng chày chuyên nghiệp bắt đầu thành công vào những năm 1920, với một đội toàn các ngôi sao thành lập năm 1934 đã chơi một trận đấu giao lưu với những cầu thủ nổi tiếng thế giới như Babe Ruth, Lou Gehrig và Jimmie Foxx. Giải bóng chày chuyên nghiệp của quốc gia được thành lập vào năm 1936 với tên gọi là "Liên đoàn bóng chày Nhật Bản". Tuy nhiên, từ năm 1950, tổ chức này đã cải tổ lại và đổi tên thành "Nippon Professional Baseball (Bóng chày chuyên nghiệp Nippon)", tổ chức 2 giải đấu cho tới ngày nay.

Tại sao Bóng chày lại phổ biến ở Nhật Bản?

Why is Baseball so popular in Japan?

Tình yêu bóng chày của người dân đã được rất nhiều nhà chuyên môn tìm hiểu. Bóng chày được người dân Nhật Bản yêu thích không phải chỉ vì người Nhật có hứng thú với mọi thứ đến từ nước ngoài, đặc biệt là từ người Mỹ, mà lý do quan trọng hơn cả là ở tính đồng đội của môn thể thao này. Trước khi môn bóng chày ra đời thì các môn thể thao ở Nhật Bản đều là các môn thể thao cá nhân. Cho dù có các đội Sumo hay Kendo (Kiếm đạo) thì tới khi thi đấu vẫn là các trận đấu 1-1. Người Nhật yêu thích chữ ”wa (和)”, có nghĩa là sự hòa đồng trong xã hội. Chính vì vậy, mang theo giá trị sâu sắc về tinh thần đồng đội, bóng chày là môn thể thao tự nhiên với Nhật Bản trong quá trình nước này phát triển thành một quốc gia hướng ra quốc tế.

Bóng chày Nhật Bản ngày nay

Baseball in Japan Today

Ngày nay, Bóng chày có mặt ở khắp mọi nơi trên đất nước Nhật Bản, từ các giải đấu trường học cho đến các giải đấu chuyên nghiệp. Bạn sẽ cảm nhận được tình yêu của người dân Nhật Bản dành cho môn thể thao này khi thấy những học sinh mặc đồng phục đẹp đẽ trên đường đi tập luyện, hay lớp lớp những người hâm mộ đang trên đường đến sân vận động gần đó để cổ vũ cho các trận đấu.

Giải bóng chày chuyên nghiệp Nhật Bản

Cấp độ cao nhất về bóng chày ở Nhật Bản hiện nay được gọi là "Nippon Professional Baseball (Bóng chày Chuyên nghiệp Nhật Bản)" với 2 giải đấu. Trong mỗi giải đấu sẽ có 4 đội vốn thuộc Liên đoàn bóng chày Nhật Bản cùng với các đội mới hơn tham gia với họ. Các đội bóng từ lâu đã được đặt tên theo chủ sở hữu của họ (thường là các tập đoàn lớn tại Nhật) - một xu hướng tiếp tục cho tới ngày nay và tên đội cũng sẽ thay đổi khi được chuyển nhượng. Gần đây, các địa điểm cũng đã được thêm vào tên của giải đấu. Mùa giải bóng chày chuyên nghiệp kéo dài từ thời kỳ huấn luyện vào tháng 2, các trận đấu từ tháng 3 đến tháng 10 và các trận vòng loại trực tiếp và trận tranh chức vô địch Nhật Bản sẽ diễn ra vào cuối tháng 10.

Giải đấu Central League

Giải đấu Central League, còn được gọi là Ce League, hiện bao gồm 6 đội. Ban đầu giải đấu có 8 đội nhưng 2 đội trong số đó đã bị giải tán và sáp nhập lại thành các đội hiện tại là: Chunichi Dragons (Nagoya), Hanshin Tigers (Nishinomiya), Hiroshima Toyo Carp (Hiroshima), Tokyo Yakult Swallows (Shinjuku, Tokyo), Yokohama DeNA Bay Stars (Yokohama) và Yomiuri Giants (Bunkyo, Tokyo).

Giải đấu Pacific League

Giải đấu Pacific League hay còn được gọi là Pa League, là giải đấu thứ hai của Bóng chày chuyên nghiệp Nhật Bản. Giải đấu thành lập năm 1949 với tên gọi "Taiheiyo Baseball Union"  nhưng sau đó đã đổi tên vào năm 1980. Ban đầu giải đấu gồm có 7 đội, sau đó, người ta lập thêm một đội mới để nâng tổng số đội lên thành 8, giúp đội hình cân bằng hơn. Tuy nhiên, đội mới thành lập đã rất khó khăn nên kết quả là họ đã kết hợp với một đội khác và rời đi, để lại giải đấu chỉ còn 6 đội. Các đội hiện tại là: Chiba Lotte Marines (Chiba), Fukuoka Softbank Hawks (Fukuoka), Hokkaido Nippon-Ham Fighters (Sapporo), Orix Buffaloes (Osaka), Saitama Seibu Lions (Tokorozawa, Saitama) và Tohoku Rakuten Golden Eagles (Sendai , Miyagi). Giải đấu Pacific League có một số khác biệt nhỏ, bao gồm việc có một người đánh được chỉ định và hệ thống đấu loại trực tiếp 3 đội. Về sau, chỉ có điều lệ thứ 2 là được đưa vào áp dụng tại giải đấu Central League.

Giải vô địch bóng chày trung học Nhật Bản "Koshien"

High School Baseball: Koshien

Bóng chày là môn thể thao cực kỳ phổ biến ở hầu hết các trường trung học trên khắp Nhật Bản. Koko Yakyu (Bóng chày trung học) đã trở thành một trong những cuộc thi phủ sóng khắp các kênh truyền hình trên cả nước. Cuộc tranh tài được tổ chức vào tháng 8 hàng năm với các đội dẫn đầu thuộc 47 tỉnh thành trên toàn Nhật Bản, Koshien bao gồm hai giải đấu được hàng triệu người theo dõi. Liên đoàn bóng chày trung học Nhật Bản kết hợp với Mainichi Shimbun tổ chức giải Koshien mùa xuân (hoặc Senbatsu) và kết hợp với Asahi Shimbun tổ chức giải Koshien mùa hè. Trận đấu đỉnh cao cuối cùng mỗi mùa hè sẽ được diễn ra tại sân vận động Hanshin Koshien thuộc thành phố Nishinomiya, tỉnh Hyogo.

Địa điểm linh thiêng của bóng chày Nhật Bản

Sacred Spots of Baseball in Japan

Những người hâm mộ bóng chày không chỉ tới thăm những sân vận động nổi tiếng ở Nhật Bản mà họ còn tìm đến các bảo tàng cũng như các thánh địa bóng chày linh thiêng khác.  

Tham quan sân vận động ở Nhật Bản

Các sân vận động nổi tiếng bao gồm Tokyo Dome (sân nhà của Yomiuri Giants), Nagoya Dome (sân nhà của Chunichi Dragons) và sân vận động Hanshin Koshien (sân nhà của Hanshin Tigers và cũng là nơi diễn ra giải bóng chày Trung học hàng năm. Một số sân vận động có tổ chức tour tham quan nhưng hầu hết đã bị tạm dừng do COVID-19, cũng như sử dụng các sân vận động cho Thế vận hội Olympic và Paralympic.

Yakyu Jinja: Đền thờ về Bóng chày

Tại Saitama, những người hâm mộ và người chơi bóng chày có thể đến viếng đền Yakyu Inari (箭弓稲荷神社) để cầu nguyện cho thành công của đội họ. Ban đầu, đây chỉ đơn giản là một ngôi đền dành riêng cho vị thần Inari nhưng chữ Hán của ngôi đền (có nghĩa là cung tên) được phát âm là "yakyu", đồng âm với từ "bóng chày" trong tiếng Nhật. Chính điều này đã khiến ngôi đền nhanh chóng trở thành điểm đến nổi tiếng dành cho những người hâm mộ bóng chày. Những người viếng đền có thể mua ema (thẻ cầu nguyện bằng gỗ) với hình dáng của chiếc gậy đánh bóng, hoặc các thẻ có hình dạng bình thường nhưng được trang trí thêm bằng các vật phẩm bóng chày để viết điều ước của họ. Mọi người cũng mua cả Omamori (bùa cầu nguyện) để tặng cho người chơi trước trận đấu hoặc mua khi đi thăm đội bóng. Ngôi đền nằm ở thành phố Higashimatsuyama, tỉnh Saitama, cách Ikebukuro khoảng 1 tiếng đồng hồ đi tàu điện theo tuyến Tobu Tojo.

The Baseball Hall of Fame and Museum: Bảo tàng và "Đại sảnh danh vọng" của bóng chày Nhật Bản

Bảo tàng "The Baseball Hall of Fame and Museum" nằm ở Koraku, thủ đô Tokyo, được mở cửa vào năm 1959 và là bảo tàng đầu tiên mang hình ảnh bóng chày ở Nhật Bản. Ban đầu địa điểm được đặt bên cạnh Sân vận động Korakuen - nơi vốn là thánh địa bóng chày, Nhưng sau đó, vào năm 1998, địa điểm đã được chuyển địa điểm tới Tokyo Dome và hiện nằm bên trong sân vận động. Du khách đến đây có thể chiêm ngưỡng "đại sảnh danh vọng", nơi tôn vinh những cầu thủ đã có đóng góp xuất sắc trong bộ môn thể thao, cũng như trưng bày tài liệu về lịch sử bóng chày trong quá khứ cho đến hiện tại, bao gồm đồng phục, dụng cụ chơi bóng cũng như danh hiệu của các cầu thủ nổi tiếng. Bạn có thể tới tham quan bảo tàng bằng cách đăng ký các tour tham quan có sẵn tại Tokyo Dome. 

Trải nghiệm và xem các trận đấu bóng chày Nhật Bản ở đâu? 

Where to Play and Watch Baseball in Japan

Nếu bạn muốn thử chơi bóng chày nhân chuyến tham quan ngắn hạn đến Nhật Bản, thì bạn có thể đến một trong những lồng đánh bóng chày tự động có mặt ở khắp nơi trên cả nước. Bạn có thể tìm đến lồng đánh bóng nằm trên sân thượng của các tòa nhà, tại công viên hoặc các trung tâm giải trí thâu đêm. Một trong những trải nghiệm tuyệt vời nhất có lẽ là đánh bóng tại các lồng đánh bóng Spo-dori nằm trong Tokyo Dome. Bạn có thể thi đấu với những người chơi chuyên nghiệp ảo và có thể lựa chọn cả bóng cao su hoặc bóng cứng.

Những bạn muốn xem trận đấu bóng chày trực tiếp thì có thể theo dõi mùa giải, và đặt vé cho các trận đấu giải địa phương hoặc chuyên nghiệp. Vé có giá trung bình từ 2,000-15.000 yên. Ngoại trừ thời điểm các trận cuối trong giải vô địch diễn ra thì vé tại các sân vận động lớn tương đối dễ kiếm. Tương tự như với hầu hết các môn thể thao thì ngồi xem tại sân của đội nhà sẽ cho bạn cảm nhận một bầu không khí sục sôi nhất, tuy nhiên, nếu xem trên sân khách thì cũng là một trải nghiệm thú vị và là một cách tuyệt vời để gặp gỡ mọi người từ khắp Nhật Bản.

Món ăn vặt tuyệt vời thích hợp khi xem bóng chày

The Best Baseball Snacks for the Game

Các món ăn vặt trong các trận đấu bóng chày thường kết hợp cả thức ăn nhanh của Nhật Bản và các món ăn nhanh mang phong cách Mỹ. Các món ăn thường có vị mặn, dễ ăn và rất ngon. Bạn có thể được thưởng thức các món ăn địa phương phổ biến như yaki-soba (mì xào), takoyaki (bạch tuộc viên) và cơm cà ri. Ngoài ra còn có các món ăn vặt mang phong cách Âu Mỹ như bánh mì cuộn xúc xích chiên, xúc xích và gần đây là khoai tây chiên. Một số sân vận động sẽ có đồ ăn nhẹ từ khu vực của đội khách, vì vậy hãy nhớ thử những món này khi bạn đến tham quan nhé. Tất cả những món ăn này đều có một điểm chung đó là rất thích hợp để thưởng thức cùng với một cốc bia lạnh. Được biết đến với biệt danh Uriko (売り子), các cô gái bán bia (beer girls) là nhân tố bán hàng chủ lực của các sân vận động bóng chày Nhật Bản. Những cô gái bán bia sẽ phục vụ bia lạnh cho thực khách với những thùng bia 15kg được đeo như balo sau lưng.

Mục lục

Survey[Trả lời khảo sát]Hãy trả lời những câu hỏi về du lịch Nhật Bản.







Giới thiệu thêm