Phong tục Nhật Bản: Phong tục tặng "quà giữa năm" của người Nhật là gì?

Nếu có dịp du lịch Nhật Bản vào mùa hè, thì bạn sẽ có dịp bắt gặp dòng chữ お中元特集 (Chuyên dành cho Tết trung nguyên) tại các bảng quảng cáo của cửa hàng tiện lợi hoặc trung tâm mua sắm. Vậy Tết trung nguyên (Ochugen) là gì? Vì sao người Nhật lại có phong tục tặng quà vào dịp Tết trung nguyên? Thỉnh thoảng lại bắt gặp dòng chữ Shochu Mimai (暑中見舞い), Zansho Mimai (残暑見舞い), vậy nó có ý nghĩa thế nào? Kỳ này hãy để FUN! JAPAN giới thiệu cho bạn thêm một phong tục tặng quà độc lạ của người Nhật nhé! 

Ochugen (お中元) là gì? 

Ochugen (お中元) là dịp Tết trung nguyên vào giữa tháng 7 ở Nhật. Cứ đến dịp này thì mọi người thường tặng quà cho bạn bè, người thân, người quen trong công việc để bày tỏ lòng cảm ơn, và mong tiếp tục được nhận sự giúp đỡ trong tương lai lâu dài.

Ngày lễ bắt nguồn từ phong tục lễ hội cúng tế thần linh, của Thần Đạo Trung Quốc thời cổ đại vào dịp Tam Nguyên (Thượng Nguyên, Trung Nguyên và Hạ Nguyên). Trong số đó, dịp Trung Nguyên vào ngày 15/7 trùng với dịp lễ vu lan của Phật Giáo, cùng phong tục tặng quà vào dịp lễ tế thần nên phong tục tặng quà vào dịp tết Trung Nguyên đã bắt đầu lan rộng. 

Tặng quà Ochugen khi nào? 

Phong tục tặng quà cho bạn bè, người thân, người quen trong công việc  vào dịp tết Trung Nguyên bắt đầu thịnh hạnh từ những năm 1897, do doanh thu các khu thương mại vào dịp hè thường giảm sút nên sự kiện đại hạ giá đã góp phần cho phong tục tặng quà vào ngày hè trở nên quen thuộc.  

Tại vùng Kanto phía đông Nhật Bản thì thường tặng quà trong thời gian từ đầu đến giữa tháng 7 dương lịch, vùng Kansai phía tây thì thường tặng quà trong thời gian từ đầu đến giữa tháng 8 vì dựa theo âm lịch. 

Tặng quà gì vào dịp Tết trung nguyên? 

Mì somen có thể nói là biểu tượng đặc trưng của dịp Tết trung nguyên. Sợi mì thon và dài mang ý nghĩa dù không gặp được những người thường giúp đỡ mình nhưng mong mối quan hệ có thể duy trì lâu dài. Bên cạnh đó, vào thời Edo thì mì somen từng được xem là món ăn cao cấp dành cho tướng quân, hoặc người trong cung đình. Một phần vì sợi mì dễ bảo quản trong thời gian dài nên khá lý tưởng để tặng quà, và được lưu truyền cho đến ngày nay.

Vào những năm gần đây thì các món ăn, đồ uống mát lạnh giải nhiệt cho ngày hè cũng được dùng làm quà tặng nhiều hơn. Chẳng hạn như đồ uống thì có bia, nước trái cây, hoa quả. Hay về thức ăn thì các loại trái cây theo mùa như dưa hấu, dưa gang, xoài... rất được ưa chuộng.

Shochu Mimai (暑中見舞い), Zansho Mimai (残暑見舞い) là gì? 

Cũng gần giống với Ochugen, Shochu Mimai (暑中見舞い) và Zansho Mimai (残暑見舞い) là phong tục viết thư hỏi thăm bạn bè, người thân, người quen trong công việc về tình hình hiện tại.

Có thể nói Shochu Mimai là văn hóa ảnh hưởng từ Tết trung nguyên. Người Nhật thường có phong tục viết thư vào dịp lễ, nhằm gửi đến người thân ở nơi xa. Phong tục lan rộng vào thời đại Minh Trị (khoảng năm 1868~), do dịch vụ chuyển gửi bưu thiếp bằng bưu điện bắt đầu hoạt động nên mọi người có thể gửi thư chào hỏi đến người ở xa. Thư được gửi vào những ngày hè nóng bức được gọi là "Shochu Mimai (暑中見舞い)". 

Shochu Mimai (暑中見舞い) và Zansho Mimai (残暑見舞い) có gì khác biệt? 

Shochu Mimai (暑中見舞い) và Zansho Mimai (残暑見舞い) khác nhau ở thời điểm gửi thư. Shochu Mimai (Hỏi thăm giữa hè 暑中見舞い) dùng cho thời điểm từ sau mùa mưa tháng 6, hoặc ngày 7/7 cho đến lập thu 7/8. Sau khi lập thu kết thúc thì bước vào thời kỳ Zansho Mimai (Hỏi thăm cuối hè 残暑見舞い).

 Ngày nay ở Nhật thì Ochugen, hay còn gọi Tết trung nguyên là dịp lễ để mọi người "gửi quà đến người thân để bày tỏ lòng cảm ơn, cầu chúc sức khỏe". Và Shochu Mimai (暑中見舞い) và Zansho Mimai (残暑見舞い) cũng là thông điệp hỏi thăm sức khỏe của đối phương trong những ngày hè oi ả, nóng bức nhằm biểu hiện lòng quan tâm. 

Mục lục

Survey[Trả lời khảo sát]Hãy trả lời những câu hỏi về du lịch Nhật Bản.







Giới thiệu thêm