5 Lý do bạn nên sắm ngay một chiếc bút lông và bắt đầu luyện tập thư pháp

  • 20/6/2019
  • 26/6/2019
  • FUN! JAPAN Team

Trong thời đại mọi thứ được số hóa hiện đại hóa như ngày nay, có lẽ chẳng còn chỗ cho những việc thủ công như viết tay thay vì đánh máy hay gửi thư tay thay vì email điện tử.  

Nhưng không, khắp nơi trên thế giới vẫn luôn có nhiều người cần mẫn luyện tập thư pháp như một thói quen, sở thích. Hẳn bạn sẽ hơi thắc mắc, luyện thư pháp có để làm gì không? Trừ phi phải làm công việc liên quan đến thiết kế vẽ vời hay liên quan gì đến các nước Đông Á, nếu không thì luyện thư pháp để làm gì?

5 lý do loại hình nghệ thuật truyền thống này vẫn luôn thu hút mọi người 

1. Sự mãn nhãn

Rõ ràng rồi, trong thời đại công nghiệp kĩ thuật ngày nay, nhiều người sẽ thấy những con chữ in đánh máy vô hồn, chỉ để truyền đạt thông tin một cách nhạt nhẽo buồn chán. Đương nhiên chúng ta không ai phủ nhận tầm quan trọng của kĩ thuật số hóa và in ấn, nếu không thì giờ này làm gì có chuyện các bạn độc giả đọc được bài viết của chúng mình :) Tuy nhiên, chữ viết tay luôn luôn có sức mạnh kì lạ, dường như gửi gắm cả bao tâm tư cảm xúc của người viết gói trong câu chữ. Ngoài ra, khi treo một bức thư pháp trong phòng khách chẳng hạn, hẳn bạn sẽ thấy mình rất "có học" và không gian rất có phong vị Á Đông đúng không? 

2. Phương pháp tuyệt vời để luyện tập Hán tự

Tập thư pháp là một phương pháp hữu hiệu để nhớ và hiểu tận gốc Hán tự. Tiếng Việt của chúng ta có đến 70% từ vựng gốc Hán, thế nên biết đâu trong lúc luyện thư pháp viết Hán tự bạn lại hiểu thêm về chính tiếng Việt đó. Hán tự tượng hình, mỗi kí tự bao gồm nhiều lớp nghĩa, khi bóc tách từng lớp từng bộ thủ bạn sẽ nhận ra ẩn ý của cổ nhân khi xưa chế tạo ra chữ viết. Vừa học vừa ngẫm, chắc chắn sẽ càng thêm củng cố vốn Hán tự của bạn. 

3. Kích thích sáng tạo

Rất nhiều nghiên cứu đã chỉ ra mối liên kết giữa hoạt động của tay ảnh hưởng đến cách thức tư duy của trí não. Não bộ chắc chắn sẽ được kích thích suy nghĩ nhiều hơn khi trực tiếp cầm bút viết tay thay vì đánh máy, đặc biệt khi dùng bút lông bạn sẽ cần đến sự tập trung cao độ hơn rất nhiều so với bút viết thông thường. Hãy để não mình tương tác với nhiều trải nghiệm mới mẻ, từ đó thêm nguồn cảm hứng chắp cánh tiềm năng sáng tạo vô tận trong bạn. 

4. Steve Jobs cũng yêu thích thư pháp

Độc giả chúng mình có ai ngưỡng mộ hay thần tượng Steve Jobs không? Hẳn không ít người biết Steve Jobs rất yêu thư pháp. Ông từng kể, hồi mới vào đại học ông cảm thấy rất vô nghĩa khi mình phải lên lớp nghe giảng những môn mình chẳng có hứng thú mỗi ngày, nên Steve Jobs đã quyết định chỉ học môn mình thích: đó chính là thư pháp. Ông cũng khẳng định, chính những khóa học thư pháp ngày ấy đã định hình nên cốt lõi phong cách thiết kế của Apple. Và điều đó quan trọng như nào thì bạn cũng biết rồi đấy. 

5. Đơn giản vì nó VUI

Hãy thử nhớ lại những lớp học mĩ thuật ngày bé. Bạn có từng thích thú, từng hào hứng khi cầm cây cọ vẽ vời tùy ý những gì bạn thích? Hãy thử nghĩ xem, cầm cây bút lông chẳng mấy khi bạn có dịp dùng đến, điểm tô những nét ngẫu hứng trên trang giấy, biến hóa thành những hình thù đầy bất ngờ, nghe vui chứ? Có lẽ bạn từng nghĩ thư pháp là một cái gì đó vô cùng phức tạp, truyền thống, thậm chí có phần cứng nhắc đòi hỏi tập trung cao độ và kiên trì luyện tập. Không hề, thư pháp là để bạn tự do thỏa thích thư giãn với đôi tay và cây bút. Chẳng mấy ai trong chúng ta học thư pháp với tâm thế phải trở thành thư pháp gia chuyên nghiệp hay thầy đồ đúng không? Chúng ta học vì chúng ta thấy hay hay, thấy thú vị, vậy thôi!  

Xong rồi đó, chúng mình đã cho bạn 5 lý do để bắt đầu học thư pháp rồi. Có khi bạn sẽ còn khám phá ra nhiều bất ngờ thú vị khác nữa. Sao không thử cầm cây bút lông và để tâm trí mình chìm đắm trong bộ môn nghệ thuật truyền thống này nào?


Mục lục

Survey[Trả lời khảo sát]Hãy trả lời những câu hỏi về du lịch Nhật Bản.







Giới thiệu thêm