NÊN hay KHÔNG NÊN? Những quy tắc ứng xử tại nhà hàng Nhật

Đi ăn nhà hàng lần tiên ở một đất nước xa lạ quả thực là một thử thách. Chưa nói đến rào cản ngôn ngữ, cách mà mọi người ăn uống, ứng xử tại nhà hàng dường như vừa khác cách bạn làm, vừa vô cùng khó hiểu. Tuy nhiên chúng mình cho rằng đi ăn hàng nên là dịp để bạn tận hưởng những trải nghiệm mới chứ không phải là điều gì gây áp lực cả. Thế nên, hãy chú ý một vài điều dưới đây để bạn có thể quen thuộc hơn với những quy tắc ứng xử cơ bản khi dùng bữa tại một nhà hàng Nhật nhé.

Những điều cần chú ý

Gọi nhân viên khi muốn chọn món

Nhân viên thỉnh thoảng sẽ không đến tận bàn nếu bạn không ra dấu cho họ là bạn muốn gọi món. Tùy vào loại nhà hàng khác nhau mà phong cách phục vụ cũng sẽ khác nhau, tuy nhiên hãy nhớ không phải lúc nào nhân viên cũng sẽ tự động đến bàn của bạn, kể cả khi gọi món.

Từ khóa ở đây là ‘sumimasen’, nghĩa là ‘Anh ơi/ Chị ơi’, dùng để gọi nhân viên đến bàn mình. Ở một số nhà hàng bạn còn thấy có nút bấm trên bàn để gọi nhân viên nữa, vì thế họ sẽ chỉ đến khi bạn gọi họ thôi.

Hãy dùng đĩa nhỏ và rót đồ uống cho mọi người

Ở những quán bình dân, đặc biệt là ở Izakaya (quán nhậu kiểu Nhật), nhiều món ăn được phục vụ với đĩa lớn để mọi người có thể ăn chung. Hãy dùng các đĩa nhỏ mà nhà hàng cung cấp để lấy phần riêng của mình. Rót đồ uống cho nhau cũng là một việc phổ biến ở Nhật, nên hãy chú ý rót đồ cho những người bạn đi cùng mình, nhất là khi đi cùng người lớn tuổi hơn.

Gọi khi thanh toán và thanh toán ở quầy

Khi bạn cần thanh toán, hãy gọi phục vụ. Hơi khó nhớ một chút nhưng hãy cố gắng sử dụng từ khóa này “Okanjyō onegai shimasu”, nghĩa là “Cho tôi thanh toán.” Hoặc bạn cũng có thể ra dấu x bằng cách bắt chéo hai ngón trỏ là nhân viên sẽ hiểu. Bạn thường sẽ phải tự mang hóa đơn đến quầy để thanh toán, ở một vài nhà hàng nhân viên có thể sẽ mang đặt hóa đơn trên bàn ngay khi bạn đang ăn. Đây là một điểm đặc biệt trong cách phục vụ tại Nhật nên bạn không cần bất ngờ hay lo nghĩ gì cả.

Những điều cần tránh

Để lại tiền tip

Ở Nhật không có văn hóa tip phục vụ và nhân viên cũng sẽ không nhận tiền tip, có khi họ sẽ chạy theo bạn trả lại tiền vì nghĩ bạn để quên. Nếu muốn cảm ơn, thay vì tip hãy nói “Gochisō-sama deshita”, có nghĩa là “Cảm ơn đã phục vụ tôi, đồ ăn rất ngon!

Những yêu cầu có thể làm phật lòng đầu bếp

Có lẽ bạn đã từng nghe đến câu chuyện đầu bếp sushi có thể cảm thấy bị xúc phạm nếu bạn gọi thêm nhiều wasabi. Bạn chắc chắn không hề muốn làm phật lòng các đầu bếp đúng không, vì rõ ràng họ hiểu hơn ai hết các nguyên liệu gia vị nên được nêm nếm kết hợp như thế nào, và khách hàng vốn không cần điều chỉnh thêm bất cứ gì. Thế nên trước khi bạn yêu cầu đầu bếp làm điều gì hãy nhớ rằng có những món ăn có cách ăn truyền thống riêng cần được tôn trọng.

Hãy thử thách bản thân để trải nghiệm nền ẩm thực tuyệt vời tại Nhật Bản. Những từ khóa mà chúng mình mới nói với bạn ở trên vô cùng có ích mỗi khi đi ăn hàng ở Nhật, hãy cố gắng nhớ và sử dụng nhé. Bạn cũng sẽ phát hiện ở nhà hàng Nhật còn rất nhiều các tập tục khác, ví dụ như khăn ấm được mang ra ngay khi khách mới đến hay trà hoặc nước lọc sẽ được phục vụ dù bạn có gọi hay không. Những dịch vụ đi kèm này có lúc miễn phí, có lúc sẽ được tính phí. Nhất là ở các quán bar hay Izakaya (quán nhậu kiểu Nhật), bạn sẽ mặc định bị tính phí chỗ ngồi đi kèm với một món khai vị. Hãy nhớ rằng ở Nhật luôn có một vài tập quán phục vụ đặc biệt như này, và hãy tận hưởng chúng. Đầu bếp và nhân viên sẽ rất vui nếu bạn thể hiện bạn đang hưởng thụ món ăn và sự phục vụ của họ.

Mục lục

Survey[Trả lời khảo sát]Hãy trả lời những câu hỏi về du lịch Nhật Bản.







Giới thiệu thêm